Lan tỏa tình người ấm áp từ nghĩa cử hiến máu

Hưởng ứng thông điệp "Phòng chống nCoV - Đừng quên đi hiến máu", tại sự kiện hiến máu tình nguyện "Xuân Hồng" 2020, đông đảo các tầng lớp nhân dân từ khắp nơi đã cùng về đăng ký tham gia hiến máu.

Vượt quãng đường xa tới hiến máu

Chú thích ảnh
 Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sáng 11/2/2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Khi biết thông tin Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang thiếu máu trầm trọng, lịch hiến máu dự kiến bị nhiều đơn vị hủy bỏ vì e ngại dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát, Bùi Kim Ngọc (Đông Triều, Quảng Ninh) đã lên Facebook cá nhân kêu gọi bạn bè cùng tham gia hiến máu.

Chỉ với dòng trạng thái ngắn ngủi tối hôm trước "sáng mai có ai đi hiến máu ở Hà Nội với tôi không?", hôm sau Ngọc đã có thêm 3 người bạn cùng đồng hành trong hoạt động đầy tính nhân văn.

Vượt hơn 100 km từ Đông Triều, Quảng Ninh lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến máu khi Hà Nội ở vào những ngày mưa rét và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Kim Ngọc không hề băn khoăn; trái lại còn cảm thấy may mắn vì được nghỉ làm thêm một ngày nên mới thu xếp được thời gian đi hiến máu. 

Ngọc chia sẻ, trước đấy, em cũng biết được thông tin tổ chức hiến máu của một số bệnh viện, đơn vị tại Hà Nội nhưng vì không thu xếp được thời gian nên không tham gia được. Về vấn đề dịch bệnh, Ngọc cho rằng, nếu mình tuân thủ theo đúng quy định phòng dịch của Bộ Y tế, các quy định khác của bệnh viện và đảm bảo vệ sinh cá nhân sẽ không có vấn đề gì.

Trong thời gian còn theo học tại trường Đại học Mở (Hà Nội), Kim Ngọc từng là thành viên của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Có lẽ quãng thời gian ấy đã giúp Kim Ngọc hiểu rõ hơn sự cần thiết của những giọt máu ấm đối với người bệnh, đặc biệt là sau những kỳ nghỉ dài.

Kim Ngọc cho biết: Cứ đến khi đủ điều kiện thời gian hiến máu và rảnh là em lại tham gia hiến máu. Từ ngày về công tác tại Đông Triều, Quảng Ninh đến nay mới được 6 tháng nhưng Ngọc đã có 2 lần về Hà Nội để hiến máu. Đặc biệt, chàng trai 24 tuổi ấy mới bắt đầu tham gia hiến máu được gần 6 năm nhưng đã có tới 21 lần thực hiện nghĩa cử cao đẹp này (mỗi năm một người được tham gia hiến máu tối đa 4 lần).

Với suy nghĩ "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", Kim Ngọc khẳng định bản thân luôn sẵn sàng hiến tặng những "giọt máu hồng" của mình với mong muốn góp phần cứu chữa cho những bệnh nhân cần máu. Hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe, còn là việc làm có ích cho cộng động và xã hội, vì vậy Ngọc sẽ còn tiếp tục tham gia hiến máu nhiều lần nữa khi đủ điều kiện sức khỏe và thời gian.

Cùng người thân lan tỏa tinh thần nhân ái

Chú thích ảnh
Kiểm tra sức khỏe cho tình nguyện viên đăng ký hiến máu tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sáng 11/2/2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Dẫn cậu con trai 6 tuổi cùng tới điểm hiến máu cố định Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nôi), chị Nguyễn Thu Phương (Lương Ngọc Quyến, Hà Nội) cho biết, chị thường dẫn con đi theo trong các hoạt động từ thiện nhân đạo mình tham gia, thông qua cách này chị muốn dạy con về tình thương yêu giữa con người với con người, không chỉ gói gọn trong tình thương gia đình, còn là tình thương với cộng đồng, xã hội - những người không quen biết; đồng thời để con được tiếp xúc, hiểu được làm từ thiện có rất nhiều cách khác nhau và hiến máu là một trong những cách đó.
 
Chị Phương hy vọng, con trai sẽ thấm nhuần những ý nghĩa tốt đẹp từ những việc làm này để trở thành người có ích cho xã hội, tiếp tục giúp đỡ những người khác trong khả năng của mình.

Sáu lần hiến máu, có nửa số lần chị Phương dắt con trai đi cùng, cậu bé An Nguyên mới 6 tuổi nhưng có vẻ rất hiểu chuyện. Không chỉ động viên mẹ trong lúc hiến máu, An Nguyên còn tỏ vẻ tiếc nuối khi luôn miệng thắc mắc "Tại sao con không được hiến máu?". Sau nhiều lần giải đáp, An Nguyên khẳng định chắc nịch: "Lớn lên con nhất định tham gia hiến máu".

Cũng cùng người thân tham gia hiến máu, chị Đậu Thị Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đọc được tin Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thiếu máu dự trữ, chị rủ em trai cùng tới Viện hiến máu. Do đêm hôm trước thức khuya tới tận 2 giờ sáng nên khi hiến máu xong chị Hoàng cảm thấy hơi mệt và khó thở nhưng chỉ sau 5 phút nằm nghỉ, cô gái ấy lại tươi cười cho biết sẽ tiếp tục hiến máu.

"Hiến máu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội. Hiến máu vừa tốt cho mình, vừa tốt cho người, hy vọng mọi người có thể cùng tham gia để mang lại niềm vui, sự sống cho những số phận kém may mắn" - chị Hoàng nói.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên đăng ký hiến máu tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sáng 11/2/2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Với tinh thần "Hiến giọt máu đào - trao đời sự sống" những người như chị Hoàng, chị Phương, bạn Kim Ngọc và hàng nghìn người khác đã chung tay khắc phục "cuộc khủng hoảng máu" tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương dịp sau tết Nguyên đán Canh Tý; lan tỏa tình người ấm áp để xua tan những ngày lạnh giá; vượt qua "cái bóng nặng nề" của sự e dè dịch bệnh bùng phát. Những "giọt hồng" - một loại thuốc đặc biệt, một món quà ý nghĩa đã được trao đến những người bệnh cần máu một cách kịp thời, giúp nhiều người giành lại sự sống.

Minh Huệ (TTXVN)
Ra quân vận động hiến máu tình nguyện và hỗ trợ phòng, chống dịch
Ra quân vận động hiến máu tình nguyện và hỗ trợ phòng, chống dịch

Sáng 12/2, tại TP Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch COVID-19) gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN