Ông vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen nông dân sản xuất giỏi giai đoạn 2010 -2017 và nhiều giấy khen của Hội Nông dân huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mặt hàng chủ lực của xưởng cơ khí mang tên "Lợi Sịa" là sản xuất xe rùa - xe thô sơ kích thước nhỏ dùng bằng tay để vận chuyển các vật liệu xây dựng, chiếm tới 80%. Đến nay, hàng vạn chiếc xe rùa từ xưởng cơ khí Lợi Sịa đã được đưa ra thị trường; cùng với nhiều loại xe khác như xe đẩy rác, máy nông nghiệp…
Ông Lợi cho hay, giá thành xe rùa từ xưởng của ông có giá giao động từ 270.000 - 350.000 đồng/chiếc, rẻ hơn các cơ sở cung ứng từ những tỉnh thành khác 10.000 - 30.000 đồng/chiếc. Nhờ đó mà sản phẩm của ông có thể cạnh tranh với nhiều xe rùa nơi khác. Khách hàng từ nhiều tỉnh thành dù xa vẫn đến Thừa Thiên - Huế đặt xe rùa của ông.
Giờ đây, xe rùa mang tên “Lợi Sịa” không chỉ là mặt hàng quen thuộc ở huyện Quảng Điền mà còn phổ biến ở các thị trường Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng… Đặc biệt, hơn một nửa lượng xe rùa của xưởng cơ khí Lợi Sịa sản xuất được xuất khẩu sang thị trường nước bạn Lào.
Anh Lê Công Nhị Thương (chủ cửa hàng ngũ kim Uyên Thương, tại huyện Quảng Điền) cho biết, riêng mặt hàng xe rùa tại cửa hàng, anh chỉ nhập từ xưởng cơ khí Lợi Sịa bởi sản phẩm được bà con địa phương tin chọn vì chất lượng bền cao. Mỗi tuần anh nhập trung bình 20 chiếc xe rùa từ xưởng cơ khí Lợi Sịa và được tiêu thụ khá nhanh.
Nối nghiệp từ người cha làm nghề sửa chữa máy móc có tiếng trong vùng, từ nhỏ ông Lợi đã có niềm đam mê với cơ khí. Học xong lớp 12, ông Lợi mày mò, sửa chữa cùng bố, rồi tìm hiểu thêm chế tạo, sản xuất các loại máy móc nông nghiệp.
Đầu năm 2007, ông Lợi khởi nghiệp với số vốn ít ỏi hơn 100 triệu đồng cùng tiền vay mượn từ ngân hàng, thành lập xưởng cơ khí mang tên Lợi Sịa. Ban đầu, trong nhà xưởng vài chục mét vuông, ông Lợi chỉ thuê được vỏn vẹn 1 chiếc máy hàn và 1 máy điện.
Mặt hàng sản xuất ban đầu là các loại máy nông nghiệp như máy cày, máy phun thuốc, máy bơm nước… thường được sử dụng theo mùa vụ trong năm, vì vậy nhu cầu sửa chữa, mua mới máy nông nghiệp của bà con không đều. 5 công nhân trong nhà xưởng do đó chỉ có mỗi năm chỉ 2 mùa vụ có việc, còn lại là ngồi không.
Không những vậy, thương hiệu “Lợi Sịa” khi ấy còn quá xa lạ với người dân địa phương, các sản phẩm máy móc đưa đi chào bán không mấy ai mặn mà. Ông Lợi phải gửi từng chiếc máy ở các cửa hàng kinh doanh, đợi ngày bán được từng món hàng. Lúc đó, xưởng cơ khí Lợi Sịa như đứng trên bờ vực phá sản bởi tiền công lao động, tiền thuê mặt bằng thắt chặt hơn nguồn vốn cạn kiệt của ông Lợi.
Chưa đầy 1 năm sau, người nông dân bắt đầu nghiên cứu thay đổi, chọn xe rùa làm mặt hàng chủ lực, do nhu cầu thị trường cao và thường xuyên hơn. Từ đó, đơn hàng nhiều hơn, cơ sở cơ khí Lợi Sịa kinh doanh có hiệu quả, sinh lời.
Ông Lợi mạnh dạn thuê mặt bằng rộng hơn 2.000 mét vuông; đầu tư thêm nhiều loại máy cắt kim loại, máy hàn khí CO2… Đến nay, 40 công nhân của xưởng cơ khí ông Lợi đã có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định 4,5 - 7 triệu đồng/người.
Không dừng lại, để tăng năng suất lao động, ông Lợi dành 3 năm nghiên cứu, tự chế tạo máy ép thùng xe rùa bằng những vật liệu sắt, thép tái chế. Máy có cấu tạo đơn giản gồm 1 khuôn dập và máy bơm dầu tự lực; dùng công nghệ thủy lực để ép tấm tôn thành thùng xe rùa theo khuôn chuẩn.
Nhờ có chiếc máy này, mỗi ngày xưởng cơ khí Lợi Sịa cho ra thị trường 150-200 chiếc xe rùa, tăng năng suất gấp 1,5- 2 lần so với làm thủ công như trước đây. Vì vậy, các sản phẩm xe rùa được xuất ra từ xưởng cơ khí Lợi Sịa thường đồng đều, đẹp mắt và bền. Sau 2 năm đưa máy ép thùng xe rùa vào hoạt động, ông Lợi đã có thể hoàn vốn chiếc máy giá trị 1 tỷ đồng này.
Ông Phan Cảnh Ngưu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền cho biết, ông Lợi không chỉ là điển hình của huyện trong phong trào vượt khó làm giàu mà còn là nông dân tiên phong hưởng ứng các phong trào của địa phương phát động, giúp đỡ người nghèo và neo đơn, trẻ em khuyết tật của huyện.