Thông Bình là một trong ba xã biên giới của huyện Tân Hồng, số hộ nghèo chiếm khoảng 2,99% (giảm 7,51% so với năm 2018), hộ cận nghèo chiếm 3,3% (giảm 12,7% so với năm 2018). Đa phần người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê. Đặc biệt, một bộ phận người dân (khoảng hơn 17%) không có đất sản xuất phải đi làm ăn xa.
Bà Nguyễn Thị Bé Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thông Bình cho biết: Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là vận động giúp đỡ các phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Trên tinh thần đó, Hội Phụ nữ xã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch bằng nhiều mô hình thiết thực. Đồng thời, Hội tranh thủ mọi nguồn lực, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Tính đến tháng 9/2020, xã có 20 hộ hội viên đã thoát nghèo và 3 hộ đã được hỗ trợ vốn khởi nghiệp.
Bà Lê Thị Dình, trú xã Thông Bình, huyện Tân Hồng cho biết: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác, công việc làm thuê không ổn định. Do vậy, ước mơ về một căn nhà, không còn cảnh “trống trước dột sau” là quá xá vời. Năm 2018, bà đã được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ 30 triệu đồng để làm vốn chăn nuôi bò. Nhờ chăm chỉ và linh hoạt trong cách làm ăn, sau 2 năm, kinh tế gia đình đã cải thiện rất nhiều. Căn nhà sàn xiêu vẹo được chỉnh trang bằng căn nhà sàn gỗ, mái lợp tole kiên cố, giúp bà an tâm hơn trong mùa mưa bão.
Cũng vì không có đất canh tác, gia đình chị Nguyễn Thị Loan, xã Thông Bình từng thuộc diện khó khăn. Kinh tế gia đình bấp bênh phụ thuộc hoàn toàn vào nghề thợ hàn “nay có mai không” của chồng và gánh hàng nước của chị. Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng, vợ chồng chị đã phát triển việc mua bán rồi chăn nuôi và sắm thêm dàn nhạc sống cho thuê. Đến nay, kinh tế gia đình đã ổn định, không còn phải chật vật vay mượn. Hiện tại, thu nhập từ việc buôn bán quán nước, đồ ăn sáng và dàn nhạc cho thuê được khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Trung tá Nguyễn Thành Phước, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Bình chia sẻ: Biên phòng - Hội Phụ nữ địa phương là hai đơn vị phối hợp chặt chẽ trong khảo sát đối tượng phù hợp để vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Nhiều cuộc gặp gỡ được tổ chức thường xuyên nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, tháo gỡ những khó khăn và hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả để phát triển nguồn vốn; tổ chức tuyên truyền vận động cá nhân tham gia mô hình kinh tế tập thể…
Trung tá Nguyễn Thành Phước cho biết thêm, nhằm tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, hai đơn vị phối hợp rà soát những gia đình có công việc không ổn định, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức mở các lớp dạy nghề. Qua đó, 58 người được vận động đăng ký nghề đan các sản phẩm từ dây nhựa, lục bình… thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã biên giới Bình Phú, huyện Tân Hồng, các hoạt động của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hội Phụ nữ xã đã duy trì và phát huy có hiệu quả các mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, liên kết hợp tác, thoát nghèo bền vững… góp phần giảm 2% hộ nghèo mỗi năm.
Ông Phạm Văn Khen, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Phú đánh giá, hiệu quả của chương trình đã tạo động lực để phụ nữ vùng biên vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống; thúc đẩy sự nỗ lực của người dân sau khi được hưởng lợi, thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt.
Qua 3 năm triển khai tại Đồng Tháp, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều nguồn lực. Chương trình đã hỗ trợ 8 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gồm Thông Bình, Tân Hộ Cơ, Bình Phú (huyện Tân Hồng), Thường Phước, Thường Lạc, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), Bình Thạnh, Tân Hội (thị xã Hồng Ngự). Gần 17,7 tỷ đồng đã được vận động để thực hiện 6 nhóm công trình, phần việc an sinh xã hội trên địa bàn biên cương. Gần 8.000 gia đình hội viên, phụ nữ được hỗ trợ kiến thức, sinh kế, giúp vốn phát triển kinh tế hộ; trên 23.000 cây xanh được trồng trên các cụm tuyến dân cư, tuyến đường tuần tra biên giới; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của 8 xã biên giới xuống còn 2,68%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp nói, do đặc thù ở vùng biên giới, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương trong tỉnh, từ đó, các cấp Hội xác định đồng hành cùng phụ nữ biên giới phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu chương trình đề ra. Từ đó, Hội có nhiều giải pháp hoạt động hỗ trợ thiết thực như triển khai 8 mô hình phát triển kinh tế qua các mô hình trồng gừng, trồng mè, nuôi bò, vịt, tổ hợp tác may, đan ghế nhựa, buôn bán nhỏ… Qua đánh giá, gần 70% hộ đã được hỗ trợ cải thiện thu nhập, góp phần giảm hộ nghèo tại địa phương.
Bên cạnh đó, Hội còn duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “mỗi chi hội giúp một hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo”, “mỗi cơ sở Hội giúp một hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, “3 hộ khá giàu giúp một hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm” với 336 thành viên và tiết kiệm trên 250 triệu đồng; tổ “Giúp vốn xoay vòng không tính lãi” giúp cho gần 2.900 hội viên với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, các tiêu chí về môi trường nông thôn, thu nhập, giảm nghèo chưa cao. Các mô hình kinh tế tập thể chưa phát huy tốt tính gắn kết trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản, hoạt động chưa đa dạng. Nguyên nhân là do tinh thần hợp tác, ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của nhiều hộ dân vẫn còn thấp, chưa có nhiều động lực, phấn đấu lao động, học tập để tiến bộ.
Thời gian tới, các cấp Hội, hội viên phụ nữ cần phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về ý nghĩa; phát huy tinh thần “Tự lực - chăm chỉ - chia sẻ - hợp tác” trong cán bộ, hội viên. Đặc biệt là phát huy tiềm năng kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực biên giới; đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng sống của cán bộ, hội viên khu vực biên giới.