Đây cũng chính là động lực, để suốt 11 năm gắn bó với nghề giáo, cô Vân đã góp phần truyền thụ kiến thức, nâng cao dân trí cho đồng bào Khmer.
Năm 2005 ra trường, cô Vân được phân công về Trường Mầm non Tân Mỹ, giảng dạy tại điểm trường lẻ ở ấp Cần Thay nơi có gần 100% đồng bào Khmer sinh sống. "Là điểm trường lẻ, nên cơ sở vật chất, dụng cụ dạy học và giáo viên lúc đó rất thiếu thốn, phải ghép các cháu ở 3 độ tuổi mầm, chồi, lá vào cùng một lớp học. Việc truyền thụ kiến thức cho các cháu vì thế gặp rất nhiều khó khăn”, cô Vân nhớ lại.
Cô Vân bên những học trò thân yêu. |
Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự chăm chỉ, ham học hỏi từ những giáo viên đi trước đã giúp cho cô Vân dễ dàng vượt qua áp lực. Trên cơ sở chương trình chung, cô linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, cùng một bài học, một trò chơi nhưng cô khéo léo tổ chức các yêu cầu khác nhau để các trẻ thực hiện, nhờ đó mà tất cả các em đều theo kịp chương trình chung ở mỗi độ tuổi. Vừa dạy vừa đúc kết kinh nghiệm, trong giờ học cô Vân sử dụng cả 2 thứ tiếng Việt - Khmer giảng dạy chung để các em cùng hòa nhập, tiếp thu.
Ngoài giờ lên lớp, cô Vân tranh thủ thời gian đến từng xóm, từng nhà động viên cha mẹ cho con em mình đến trường. Với trường hợp gia đình khó khăn, cô trích tiền lương của mình để hỗ trợ dụng cụ học tập cho trẻ, dù hoàn cảnh gia đình của cô cũng không dư giả. Chính sự gần gũi của cô giáo trẻ đã dần dần khích lệ gia đình các em quan tâm đến việc học hành của con trẻ, ngày càng quý mến cô giáo hết lòng với học sinh nghèo, học sinh người dân tộc.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, cô Vinh Thị Cẩm Vân đã vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long trao tặng danh hiệu "Viên phấn vàng". Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của cô giáo người dân tộc Khmer trong công tác giảng dạy cũng như những đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục.