Chia sẻ về quá trình tham gia hiến máu tình nguyện, Hạnh nói: “Với em, hiến máu vừa là cách để kiểm tra sức khỏe, vừa góp sức nhỏ bé của mình để cứu giúp nhiều người bệnh, mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh không may gặp rủi ro, hoạn nạn”. Trước băn khoăn của một số người về việc mới hiến máu từ năm 2013 mà đến nay đã 45 lần, Hạnh giải thích: Khoảng cách giữa các lần hiến máu toàn phần cần đảm bảo tối thiểu 3 tháng. Trong khi đó, với việc hiến tiểu cầu, khoảng cách này chỉ cần tối thiểu 21 ngày. Đó là lý do vì sao số lần hiến tiểu cầu của em nhiều hơn số lần hiến máu toàn phần.
Vốn là một người rất yêu thích tham gia các hoạt động tình nguyện nên từ khi còn là sinh viên, Hạnh đến với hiến máu như một lẽ tự nhiên. Chàng trai sinh năm 1995 nhớ lại: “Cũng như nhiều bạn, lần đầu tiên hiến máu, em khá run và lo lắng. Nhưng sau lần đó, lắng nghe cơ thể, em thấy sức khỏe mình vẫn rất tốt. Rồi em tham gia thêm lần 2, lần 3 và … đến bây giờ luôn”.
Một kỷ niệm về hiến máu cách đây đã nhiều năm nhưng Hạnh còn nhớ như in. Đó là buổi trưa một ngày bình thường của năm 2013. Tình cờ, Hạnh thấy thông báo trên nhóm Thanh niên vận động hiến máu về việc một sản phụ ở Bệnh viện Phụ sản tỉnh đang nguy kịch và cần truyền máu gấp.
Thấy nhóm máu của mình phù hợp, lại nhớ ra thời gian giữa hai lần hiến máu của mình đã đảm bảo yêu cầu, Hạnh lập tức đi xe máy đến bệnh viện liên hệ để hiến máu, hy vọng giúp sản phụ qua cơn nguy kịch. “Lúc ra quyết định, em không nghĩ gì nhiều. Sau đó, điều khiến em thấy vui nhất là việc làm của mình đã kịp thời cứu được hai mạng người: sản phụ và em bé sơ sinh. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm đó em vẫn rất xúc động”.
Không chỉ “nổi tiếng” vì số lần hiến máu, Hạnh còn được biết đến là một trong những thành viên nòng cốt đầu tiên sáng lập nên Câu lạc bộ Thanh niên vận động hiến máu tỉnh Hải Dương. Cậu là gương mặt quen thuộc, là nhân tố hăng hái và tích cực trong mọi hoạt động của Câu lạc bộ.
Trải nghiệm cá nhân cộng với việc tham gia Câu lạc bộ càng cho Hạnh cơ hội cập nhật thông tin, hiểu biết hơn về kiến thức hiến máu và càng ngày càng tự tin góp sức vào việc tuyên truyền vận động. Do yêu cầu công việc, hiện nay, Hạnh không còn hoạt động trong Câu lạc bộ. Tuy nhiên, chàng trai 27 tuổi vẫn rất nhiều trăn trở về việc làm thế nào để tăng tỷ lệ người hiến máu trong cộng đồng.
Từ quan sát và kinh nghiệm của bản thân, Hạnh cho rằng, để công tác tuyên truyền vận động hiến máu hiệu quả hơn, song song với việc cung cấp thông tin, kiến thức để người dân hiểu biết hơn về hiến máu, cũng cần làm cho mọi người có niềm tin thông qua câu chuyện tấm gương nhiều người đã hiến máu trong thực tế. Theo góc nhìn của Hạnh, với hình thức tuyên truyền gián tiếp, cần đa dạng cách làm thông qua mạng xã hội như: zalo, facebook, tick tock. Với phương thức trực tiếp, bên cạnh việc phát tờ rơi, có thể tăng cường tổ chức những hoạt động truyền thông tại các nơi công cộng, ở những không gian mà người dân có thời gian rảnh để tiếp nhận thông tin, nhất là các điểm vui chơi, hàng quán…
Suốt 9 năm qua, việc hiến máu đã trở thành thói quen định kỳ của Hạnh. Đến hẹn lại lên, đủ khoảng cách giữa các lần hiến máu, điện thoại của Hạnh lại “nhắc lịch”. Nói về tác động của việc hiến máu đối với cuộc sống cá nhân, Hạnh chia sẻ: “Niềm vui của em là đi hiến máu tình nguyện. Chọn hiến máu, em ý thức hơn về việc mình phải duy trì lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực. Khi nào sức khỏe còn cho phép, em còn tiếp tục hiến máu. Cứ nghĩ lượng máu mình hiến đến thời điểm này có thể đã giúp cho ít nhất 45 người và trong tương lai còn nhiều hơn, em thấy rất vui. Hiến máu giúp em trân trọng cuộc sống và nhận thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”.