Điểm tựa tin cậy cho công nhân lao động F0

Làm việc không giờ giấc, nỗ lực gấp hai, gấp ba bình thường là công việc hàng ngày của những y, bác sĩ và người tình nguyện làm việc tại các trạm y tế lưu động đóng trên địa bàn đông công nhân lao động của huyện An Dương, Hải Phòng. Tất cả đều chung một nỗ lực hỗ trợ người lao động đảm bảo sức khỏe, quyền lợi nhiều nhất có thể.

Nhanh chóng thích ứng

Chú thích ảnh
Y sĩ Vũ Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động số 1, xã Hồng Phong, huyện An Dương hướng dẫn người lao động là F0 hoàn thiện hồ sơ chứng nhận nghỉ việc.

Trạm Y tế lưu động số 1 của xã Hồng Phong, huyện An Dương là một trong những điểm làm việc căng thẳng và đặc thù nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Xã nằm sát cạnh 2 khu công nghiệp lớn của Hải Phòng là Khu Công nghiệp Tràng Duệ và Khu công nghiệp An Dương.

Theo lãnh đạo xã Hồng Phong, trên địa bàn xã có khoảng 6.000 lao động thuê trọ. Khi dịch bùng phát, ngoài kiểm soát dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng của y tế cơ sở là xác nhận tình trạng F0 để người lao động hưởng quyền lợi bảo hiểm và chế độ của công ty.

Y sĩ Vũ Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động số 1, xã Hồng Phong cho biết, trạm được thành lập từ ngày 10/12/2021 tại Nhà văn hóa thôn Hoàng Lâu 2 và bắt đầu từ số không: không trang thiết bị, internet và những thứ tối thiểu phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Những người tham gia làm việc tại trạm từ những đơn vị khác nhau. Việc xác nhận cho người lao động tại các doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chí doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn yêu cầu. Dù nhiều cái mới, cái khó, xong y sĩ Vũ Thị Tuyết tự động viên bản thân phải nhanh chóng ổn định hoạt động của trạm.

Được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo xã Hồng Phong, đứng đầu là đồng chí Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Dũng được đưa xuống chỉ đạo trực tiếp hoạt động của trạm, mọi thứ nhanh chóng thiết lập và bắt đầu những ngày người lao động tại trạm làm việc quên thời gian.

Thời điểm đầu, số lượng F0 đến tư vấn và xác nhận điều trị chỉ vài chục người mỗi ngày nhưng sau Tết Nhâm Dần, số lượng F0 tăng nhanh, ngày cao điểm lên tới 400 người. Nhân lực của trạm được tăng cường từ 7 người lên 12 người nhưng chính nhân viên làm việc tại trạm cũng trở thành F0 nên thường chỉ có 10 người làm đủ thứ việc từ hướng dẫn, xét nghiệm xác nhận, tư vấn điều trị, cấp giấy xác nhận nghỉ việc và hưởng bảo hiểm xã hội.

Để tránh ùn ứ hồ sơ và tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người lao động, tất cả nhân viên làm việc tại trạm đều không quản giờ giấc sớm khuya. Tình trạng ăn vội một bát cơm trưa vào lúc 1-2 giờ chiều, về nhà lúc 11 giờ đêm đã quá quen thuộc với những người làm việc tại Trạm Y tế lưu động số 1 này.

Đổi lại cho những vất vả đó chính là sự tin cậy của người lao động và nhân dân trên địa bàn. Chị Cà Thị Phủ, quê ở Sơn La, công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Horn Việt Nam, Khu Công nghiệp An Dương, Hải Phòng cho biết, hơn một tuần trước, chị thấy đau đầu, ho và mệt mỏi. Được sự hướng dẫn của công ty, chị đến Trạm Y tế lưu động để nhận tư vấn. Khi kết quả xét nghiệm dương tính, chị Phủ rất lo lắng vì không biết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân như thế nào.

Nhân viên tại trạm hướng dẫn chị tỉ mỉ cách xử trí các cơn ho, sốt, cách tăng sức đề kháng của cơ thể. Sau 8 ngày cách ly theo dõi điều trị tại nhà, sức khỏe của chị Phủ đã ổn định. Chị Phủ đến xin xác nhận của trạm để báo cáo về công ty. Theo chị Cà Thị Phủ, nếu không có hướng dẫn tại trạm y tế lưu động, chị sẽ rất hoang mang và có thể sẽ tìm đến những lời khuyên thiếu chính xác trên mạng xã hội.

Giảm gánh nặng chi phí, điều trị

Chú thích ảnh
Tư vấn cho người lao động là F0 kiểm soát, điều trị tại Trạm Y tế lưu động số 1, xã Hồng Phong, huyện An Dương. 

Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm An Hiện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Dương cho biết, ngay sau khi thành phố Hải Phòng có chủ trương thành lập trạm y tế lưu động, Ủy ban nhân dân huyện An Dương đã quyết định thành lập 19 trạm, trong đó 16 trạm tại các xã và 3 trạm tại các khu công nghiệp. Do đặc thù cư trú, lao động nên hầu hết lao động nhập cư đều đến các trạm y tế lưu động trên địa bàn các xã để xác định tình trạng F0, nhận hướng dẫn phòng, chống dịch và điều trị bệnh.

Các trạm y tế lưu động cũng là lực lượng đóng góp chủ chốt trong kiểm soát dịch COVID-19 tại huyện An Dương, là tuyến đầu tiên phát hiện tình trạng bệnh, nắm bắt tâm lý của người bệnh và đưa ra các hướng dẫn phù hợp nhất. Họ cũng là những người chịu rất nhiều áp lực do tình trạng quá tải tại tuyến này.

Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm An Hiện cho biết thêm, để hỗ trợ chuyên môn và giảm áp lực cho các trạm y tế lưu động, Trung tâm Y tế huyện An Dương luân phiên cử các bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm từ các cơ sở y tế của huyện về hỗ trợ. Những vấn đề phát sinh từ cơ sở đều được tiếp nhận và xử lý kịp thời.

Từ sự hoạt động hiệu quả của các trạm y tế lưu động, sự chủ động, thống nhất trong điều hành hoạt động của Trung tâm y tế huyện với các trạm, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo huyện An Dương nên đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh của An Dương vẫn được kiểm soát tốt, rất ít trường hợp chuyển nặng. Các cơ sở y tế của huyện vẫn chủ động về nhân lực, vật lực để điều trị cho các trường hợp có chuyển biến nặng từ tuyến dưới chuyển lên.

Chú thích ảnh
Trạm Y tế lưu động số 1, xã Hồng Phong, huyện An Dương có 12 nhân lực tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn, hoàn thiện hồ sơ cho người lao động và nhân dân trên địa bàn. 

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế huyện An Dương, hiện toàn huyện tích lũy khoảng 38.000 F0, trong đó có trên 25.000 trường hợp đang điều trị, hầu hết điều trị tại nhà. Chỉ có 18 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện An Dương, 14 trường hợp chuyển điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Những kết quả điều trị tích cực từ các trạm y tế lưu động trên địa bàn huyện An Dương đã góp phần quan trọng tạo sự an tâm, đồng thuận của người lao động nhập cư nói riêng, nhân dân trên địa bàn huyện nói chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của các trạm y tế lưu động, người lao động nhập cư đang sống trên địa bàn Hải Phòng có thêm một điểm tựa khi họ phải chiến đấu với dịch bệnh.

Doanh nghiệp bảo toàn được lực lượng lao động để ổn định sản xuất kinh doanh. Đây chính là sự động viên lớn lao để những người đang tham gia hoạt động tại các trạm y tế lưu động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt trọng trách của mình trong một giai đoạn khó khăn, thử thách nhưng rất đặc biệt này.

Bài và ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19
Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành mở kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19, đồng hành cùng phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các bé từ 12 tuổi trở xuống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN