Điểm tựa an sinh vững chắc trong mùa dịch COVID-19

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tại Hà Tĩnh, các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội đã trở thành “điểm tựa an sinh” vững chắc trong mùa dịch.

Chú thích ảnh
Tại Hà Tĩnh, các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội đã trở thành “điểm tựa an sinh” vững chắc trong mùa dịch. Ảnh: baohatinh.vn

Để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ người dân tham gia. Quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành, thực hiện hai chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.  

Sự vào cuộc quyết liệt và tích cực tuyên truyền của ngành Bảo hiểm xã hội đã từng bước thay đổi nhận thức của người tham gia trước lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này mang lại. Phường Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) là địa bàn có đông lao động tự do, chủ yếu làm nghề rèn truyền thống. Tại đây, từ nhiều năm nay, các loại hình bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội được người dân đón nhận hết sức tích cực.

Đã từng tham gia trong quân ngũ và được hưởng chế độ bệnh binh, thế nhưng, ông Nguyễn Văn Chính (sinh năm 1954, ở Tổ dân phố Trung Lý (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh) vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm 2010, ông Chính nghỉ công tác tại địa phương, lúc này ông đã hơn 60 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 10 năm. Năm 2020, được cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền, tư vấn về chính sách truy, thu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2020, ông Nguyễn Văn Chính đã đóng một lần 10 năm với số tiền hơn 70 triệu, và được hưởng chế độ lương hưu từ đầu năm 2021 với mức lương mỗi tháng là 1.541.800 đồng.

Ông Chính chia sẻ: Cuộc sống ở quê đơn giản nên với số tiền lương hưu trí cùng với khoản trợ cấp bệnh binh đủ để hai ông bà trang trải, không trở thành gánh nặng cho con cháu. Bản thân tôi thấy tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội là rất thiết thực, đặc biệt càng ý nghĩa khi về già, hay ốm đau bệnh tật, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ là một “cứu cánh”.

Không chỉ ông Chính, tại phường Trung Lương, nhiều cặp vợ chồng còn khá trẻ cũng lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế để yên tâm hơn khi hết tuổi lao động và phòng khi ốm đau. Tại thị xã Hồng Lĩnh, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Hội đồng nhân dân thị xã còn ban hành thêm các chính sách hỗ trợ riêng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh Đặng Thanh Hải chia sẻ: Xác định mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp, tăng cường chỉ đạo ngành Bảo hiểm xã hội tuyên truyền, vận động người dân tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, tại thị xã Hồng Lĩnh, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, địa phương hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 10% mức đóng hàng tháng theo chuẩn mức hộ nghèo khu vực nông thôn; hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình bằng 20% mức đóng người thứ nhất trong hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

Ông Hồ Văn Phong, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Nhờ các chính sách kích cầu từ Trung ương đến địa phương cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của đội ngũ cán bộ bảo hiểm xã hội, đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội ở Hồng Lĩnh đã đạt gần 97% dân số. Đến tháng 8/2021, địa bàn thị xã có 1.753 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhiều người dân đã tự tìm đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để đăng ký tham gia các loại hình như bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Sau một năm thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020 – 2025, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 12.600 người lên 35.000 người; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 219.000 người.

Anh Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Hà Tĩnh là 87.822 người, đạt 99% kế hoạch. Tổng số có 35.312 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 92,1% kế hoạch; 76.461 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 98,8% kế hoạch; 1.098.098 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt để phòng, chống dịch hiệu quả
Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt để phòng, chống dịch hiệu quả

Các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp, thông qua Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thể huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho nhân dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19; đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở xã hội, đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN