Ông Châu Văn Hoa Em (áo trắng) trò chuyện với cán bộ ấp Kênh 1. |
Ở ấp Kênh 1 A, xã Tân Thuận, khi hỏi về ông Hoa Em thì ai cũng biết. Bởi suốt nhiều năm qua, gia đình ông nông dân Châu Văn Hoa Em với những câu chuyện thú vị xung quanh việc “trồng người” đã trở thành niềm tự hào của vùng quê này. Ngay từ những câu nói đầu tiên, vợ chồng ông Em bà Tuyến (vợ ông Em) đã gây ấn tượng mạnh vì không chỉ từ dáng vẻ hiền lành, chất phát, mà còn bởi những suy nghĩ rất hiếm thấy ở những người nông dân thuộc vùng U Minh Thượng.
Ông Hoa Em cho biết, bây giờ đi đứng còn dễ dàng, chứ trước kia thằng Cẩn (tức Châu Ngọc Cẩn (sinh năm 1980) - con trai đầu lòng của ông bà Em giờ là Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Vĩnh Thuận) và mấy anh em nó muốn đến trường là phải đi từ sáng sớm, xắn quần lội đường trơn trượt mấy cây số mới đến được trường học.
Cũng vì lý do đường sá quá khó khăn, lại thêm hoàn cảnh kinh tế gia đình vất vả, cái ăn cái mặc còn không đủ, nên thằng Cẩn và mấy em nó có lần muốn xin nghỉ học để ở nhà làm ruộng đỡ đần cha mẹ và để giảm gánh nặng cho gia đình. Nhưng ông Em và bà Tuyết nhất quyết không chịu cho chúng nghỉ học.
Ông Hoa Em còn nhớ như in khi nói với các con: “Bố thà bán hết ruộng đất cũng phải cho tụi con ăn học tới nơi tới chốn để sau này các con được nhờ tấm thân, ba má nở mày nở mặt mà xã hội, đất nước cũng dùng được, cần đến. Kể từ đó anh em thằng Cẩn không còn đòi nghỉ học để phụ gia đình nữa mà chú tâm vào học hành”.
Sau một lúc trà nước, người nông dân là cha của 4 cử nhân, trong đó có 3 đảng viên cho biết, mình là nông dân, ngày nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên biết rằng với công việc làm ruộng dù có làm giỏi cách mấy cũng chỉ đủ ăn, khó mà đổi đời.
Chuyện đồng ruộng, trồng lúa, nuôi tôm còn phụ thuộc vào nhiều thứ như sâu bệnh, trúng mùa thì mất giá… Vì vậy, theo ông Em chỉ có “trồng người” thì mới có thể làm giàu một cách vững chãi, lâu bền được. Cũng vì vậy mà vợ chồng ông đã không quảng nhọc nhằn làm đủ mọi thứ để lo cho các con ăn học.
Đến khi học xong lớp 12, người con lớn Châu Ngọc Cẩn thi đỗ đại học tại thành phố Rạch Giá. Thi đậu đã khó, nhưng vẫn chưa nan giải bằng việc lấy tiền đâu để cho con cái theo học. Hơn nữa, lúc này ngoài Châu Ngọc Cẩn, thì mấy người em cũng đang bước vào trung học, chuẩn bị nối gót anh trai. Dù biết là khó khăn đang ở phía trước, nhưng ông bà vẫn quyết tâm làm lụng bất kể ngày đêm để có tiền lo cho con ăn học.
Ông Châu Văn Hoa Em cho biết, để có tiền lo cho các con học, ngoài việc cha mẹ cho 1 ha đất trồng lúa, vợ chồng ông phải đan giỏ bằng tre và trúc để bán. Sau khi có tiền dành dụm xây dựng lò nấu rượu. Số dư ra từ việc nấu rượu sẽ dùng để nuôi lợn bán làm vốn tích lũy và đầu tư cho cuộc sống gia đình. Thời gian rỗi ông bà đi mua lúa, xay gạo bán… Từ đó, công việc của ông bà Em đã tất bật nay lại càng nặng nề hơn.
Hàng ngày, sau công việc đồng áng, chiều tối về vợ chồng ông lại quần quật nấu rượu,chăm sóc đàn lợn. Nhờ nỗ lực làm việc nên kinh tế gia đình dần ổn định. Sau đó, ông đầu tư mua trâu, mua thêm đất để làm ruộng.
Không phụ lòng cha mẹ, đến nay, trong 6 người con (có hai đứa gái lập gia đình ở quê nhà) đã có 4 đứa con là cử nhân đang công tác ở các cơ quan ở huyện Vĩnh Thuận, Châu Thành và tỉnh Kiên Giang. Trong số này có 3 là đảng viên, 1 đang là đối tượng đảng; 3 người con dâu, rể cũng là cử nhân và đảng viên.
Chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết” vun trồng những cử nhân, ông Châu Văn Hoa Em cho rằng, làm cha mẹ ai mà không muốn con mình học hành tới nơi, tới chốn, thành tài. Nhưng quan trọng và khác nhau ở chổ có dám đầu tư tối đa cho con và làm sao để con cái tự nhận thấy được ý nghĩa, trách nhiệm của mình với việc học mà phấn đấu thì mới mong đạt kết quả cao.
Bà Lâm Thị Hiếu, Bí thư Chi bộ ấp Kênh 1, xã Tân Thuận cho biết, là nông dân chân chất, nhưng bản thân và gia đình ông Châu Văn Hoa Em ngoài việc chăm lo cho các con ăn học đàng hoàng và có 3 người con, 3 dâu rể là đảng viên, ông Em luôn có trách nhiệm với xã hội.
Mỗi khi địa phương vận động đóng góp vào các quỹ như: giao thông, người nghèo, khuyến học… thì ông Em là người tiên phong đi trước và đóng góp nhiều hơn số tiền quy định. Không những vậy, ông còn giúp nhiều người nghèo, như cho mượn tiền lúc khó khăn hay bệnh tật.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ở gần nhà ông Hoa Em) cho biết, nếu trước đây không được ông Em cho mượn tiền để trị bệnh thì giờ đã chết từ lâu. Theo ông Tuấn, do nhà nghèo nên khi bị tai nạn, cái chân của ông bị nặng phải tháo khớp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng không có tiền đi bệnh viện. Biết được hoàn cảnh của ông Tuấn, ông Hoa Em liền đem tiền đến tận nhà cho mượn và còn kêu người đến chở ông Tuấn đi ra bệnh viện cấp cứu. May nhờ can thiệp kịp thời nên ông Tuấn mới giữ được “cái mạng” đến bây giờ.
Ông Phan Văn Hùng, Công an viên ấp Kênh 1 A, xã Tân Thuận cho biết, ngoài việc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương phát động, ông Em còn là người rất có uy tín ở địa phương. Vì vậy, khi có con em ở địa phương tham gia cờ bạc, nhậu nhẹt gây rối trật tự thì nhờ ông Em nói một tiếng là tụi nhỏ nghe theo. Nhờ vậy tình hình an ninh trật tự ở địa phương rất ổn định, không xảy ra các tệ nạn xã hội, góp phần làm cho vùng quê yên bình.