Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật

Thành lập năm 1997, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật khu vực Tây Nguyên.

Lớp học dành cho trẻ câm điếc.

Từ một cơ sở đơn sơ ban đầu nhận nuôi dạy trẻ khuyết tật, qua 20 năm dày công vun đắp của các nữ tu dòng Phao Lô cùng nhiều giáo viên thiện nguyện, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân đã trở thành mái ấm tràn ngập tình thương.

Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân đang nuôi dưỡng 150 trẻ khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố như Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai... Xơ Huỳnh Thị Trinh - quản lý cơ sở Vi Nhân cho biết, đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em là người dân tộc thiểu số, mỗi em lại cần một phương pháp giáo dục riêng biệt nên việc dạy dỗ để các em biết được con chữ, phép toán là điều rất khó khăn.

Giáo viên giảng dạy tại cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân ngoài chuyên môn nghiệp vụ còn phải giáo dục trẻ bằng tình thương và lòng kiên nhẫn. Với mong muốn sau này trẻ khuyết tật sẽ tự chăm lo cho cuộc sống, không phải phụ thuộc vào người thân và xã hội, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân đặc biệt chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Các em được các nữ tu và giáo viên hướng dẫn từ những việc nhỏ như sáng dậy quét nhà, tối mắc màn đi ngủ… đến việc trồng rau, dọn dẹp phòng ở… Nhờ đó, các em được giáo dục kiến thức, rèn luyện kỹ năng, trở thành những đứa trẻ tự tin, có mơ ước. Nhiều em hòa nhập tốt với cộng đồng, nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

Thầy Quản Văn Ân, giáo viên dạy chữ nổi tại cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân cũng là một người khiếm thị, từng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở Vi Nhân, nay lại gắn bó với công việc dạy chữ nổi cho các em. Thầy Ân đã tìm được niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống.

Gắn bó với cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân 2 năm nay, em Hồ Thị Ái Vy (14 tuổi) đến từ tỉnh Đắk Nông xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Vy ước sau này sẽ trở thành một giáo viên dạy chữ và chăm sóc cho trẻ em khuyết tật, giống như công việc của các giáo viên và nữ tu của cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân đang thực hiện với em.

Có lẽ vì vậy, cái tên Vi Nhân (con người nhỏ bé) như nói đến những số phận nhỏ bé, kém may mắn khi mang trên mình khuyết tật nhưng dưới mái nhà chung Vi Nhân, những số phận kém may mắn lại được che chở, dạy dỗ để bước đi bằng đôi chân của chính mình.

Lớp học dành cho trẻ tự kỷ.

Hai mươi năm chưa hẳn là dài nhưng cũng đủ để cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân giúp nhiều trẻ em khuyết tật kém may mắn, gieo mầm xanh hy vọng lên tâm hồn, những số phận mong manh và lan tỏa những tấm lòng cao cả, tình yêu thương và bác ái trong toàn xã hội.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Nhiều công trình xây dựng chưa có hạng mục hỗ trợ người khuyết tật
Nhiều công trình xây dựng chưa có hạng mục hỗ trợ người khuyết tật

Mong muốn các công trình xây dựng có các hạng mục hỗ trợ để người khuyết tật đi lại thuận tiện hơn, được hòa nhập cộng đồng… là những kiến nghị tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật 3/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN