Nhiều công trình xây dựng chưa có hạng mục hỗ trợ người khuyết tật

Mong muốn các công trình xây dựng có các hạng mục hỗ trợ để người khuyết tật đi lại thuận tiện hơn, được hòa nhập cộng đồng… là những kiến nghị tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật 3/12.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày quốc tế người khuyết tật 3/12.

Ngày 2/12, Uỷ ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Hồng Lan, hiện Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số, trong đó có 1,2 triệu là trẻ khuyết tật. Phần lớn NKT còn có cuộc sống khó khăn, đặc biệt những người bị chất độc da cam/dioxin gây ra lại càng vất vả hơn.


Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, hành động để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT. Đặc biệt, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT do Thủ tướng ký phê duyệt đã được cụ thể hóa thành những hoạt động, giải pháp của từng giai đoạn.


“Việt Nam cũng đã chuyển từ trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh đối với NKT. NKT được trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng. Những NKT còn được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp họ tự tin, tự lập cuộc sống”, bà Đào Hồng Lan cho biết.


Bên cạnh đó, hàng năm có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, phương tiện trợ giúp. 100% tỉnh, thành đã xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, phát triển. Số NKT được học nghề và có việc làm ngày càng tăng...


Dù đã có những kết quả khả quan trong công tác trợ giúp NKT, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng cấp thiết, chính đáng của NKT. Vẫn còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, sức khỏe hạn chế, thất học, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội. “Để thực hiện được các điều ước quốc tế và quy định pháp luật về NKT, cần có nhiều hơn nữa sự cố gắng của các tổ chức, xã hội, cộng đồng, Nhà nước và chính NKT để họ được hòa nhập vào xã hội tốt hơn”, bà Đào Hồng Lan cho biết.


Bà Cẩm Nhung, một người khuyết tật nặng tại Trung tâm Sống Độc lập (Hà Nội) cho biết: "Với nhiều người khuyết tật, chúng tôi rất mong muốn, các công trình xây dựng công cộng, phương tiện công cộng có hạng mục hỗ trợ người khuyết tật để đi lại di chuyển thuận tiện hơn. Thực tế, hiện nay rất nhiều công trình xây dựng đều bị chủ đầu tư lược bớt để giảm chi phí, gây bất tiện cho NKT. Do đó, các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thực hiện đúng với quy định của Luật NKT".


Bên cạnh đó, nhiều đại diện tổ chức NKT cũng mong muốn nhà nước quan tâm hơn về dạy nghề, công tác hỗ trợ phục hồi chức năng để hòa nhập cộng đồng. Qua đó, thực hiện được mục tiêu giúp NKT có cuộc sống tốt hơn, điều kiện thuân lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định.


XC/Báo Tin tức
Tạo việc làm cho người khuyết tật cần sự chung sức của toàn xã hội
Tạo việc làm cho người khuyết tật cần sự chung sức của toàn xã hội

Hướng tới kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (3/12), ngày 30/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) đã tổ chức hội nghị Biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu tạo việc làm với người khuyết tật lần thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN