Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái là một trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Sau quá trình hàng trăm năm thiên di, định cư, lập bản tại vùng đất Mường Then -Mường Thanh, người Thái, ngành Thái đen (“Tày Đăm”) đã tạo dựng cho mình những phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng. Tuy nhiên, cùng với quá trình cộng cư, sự hòa đồng về lối sống, sự ảnh hưởng qua lại về phong tục, tập quán giữa các dân tộc với nhau, văn hóa của cộng đồng người Thái đen đã chịu những tác động sâu sắc, dẫn đến nhiều nét văn hoá cổ dần bị mai một.
Nhận thức được việc bảo tồn, gìn giữ, phát giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là một điều bức thiết, gần 20 năm qua, bằng niềm đam mê, trách nhiệm và sự am hiểu của mình, anh Tòng Văn Hân (sinh năm 1972, bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã bắt tay nghiên cứu, sưu tầm văn hóa ngành Thái đen.
Hành trình vượt hàng chục km ngược Quốc lộ 279 và cung đường liên xã hướng đi biên giới Pa Thơm, chúng tôi đến địa bàn xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), một tiểu vùng văn hóa người Thái, ngành Thái đen. Bước lên khỏi cầu thang phía đầu hồi của căn nhà sàn, ấn tượng đầu tiên in vào tâm trí chúng tôi về nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái đen Tòng Văn Hân là hình ảnh người đàn ông trung niên trong bộ trang phục truyền thống đang mải miết đọc, dịch, ghi chép lại nội dung cuốn sách “Lời cúng tổ tiên của người Thái đen” viết bằng chữ Thái cổ trên giấy dó mà ông nội anh để lại. Xung quanh anh, dưới nền sàn gỗ, trên bàn làm việc là những chồng sách, tập bản thảo và nguồn tài liệu quý viết về phong tục, tập quán, lễ hội, tri thức dân gian trong quá trình định cư, lập bản mường của cộng đồng dân tộc Thái đen.
Anh Tòng Văn Hân chia sẻ, anh đam mê việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái đen từ hồi còn thanh niên. Càng đi sâu vào tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu anh càng nhận ra kho tàng văn hóa ngành Thái đen bao la, đồ sộ và độc đáo, mang tính đặc trưng, nhận diện rất riêng so với các dân tộc khác. Vì lẽ đó, anh “nghiện” công việc sưu tầm, nghiên cứu, đào sâu vốn tri thức văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái đen từ khi nào không hay. Thời điểm đó, anh hay viết bài gửi đăng báo, tạp chí.
Anh Tòng Văn Hân cho biết, anh tập trung sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái một cách bài bản, chuyên sâu từ năm 2003. Bước đầu, anh chọn loại hình thực hành tín ngưỡng của đồng bào Thái đen để sưu tầm, nghiên cứu. Bởi theo anh, trong quan niệm, tâm thức của người Thái đen, “vạn vật hữu linh”, mọi sự vật, giống loài được định danh đều có linh hồn bất biến nên rừng núi, ruộng đồng, nhà cửa đều có thần linh cai quản. Quá trình di dân, khai khẩn đất đai, ruộng đồng rồi nên bản mường, người Thái đen đều có văn hóa ứng xử, tương tác với tự nhiên bằng những lễ thức dân gian đã được trao truyền qua nhiều thế hệ. Do vậy, tri thức về thực hành tín ngưỡng của người Thái đen là một miền rộng lớn, đa sắc và độc đáo. Tuy nhiên, tri thức thực hành tín ngưỡng lại chịu tác động mạnh của quá trình cộng cư, giao thoa văn hóa và sự biến động từ cuộc sống hiện đại đã dẫn đến mai một, lai căng, không còn giữ được những yếu tố gốc hoặc mất hẳn.
Năm 2009, khi trở thành hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tên tuổi và tài năng của anh bắt đầu được khẳng định trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc. Sau khi ký được hợp đồng tài trợ, năm 2012, anh đã xuất bản công trình “Quả còn của người Thái đen ở Mường Thanh” đánh dấu sự thành công ban đầu trên con đường nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc.
Với vốn kiến thức phong phú về văn hóa dân tộc Thái đen đã tích lũy qua nhiều năm, anh Hân khiến nhiều người bất ngờ về ý nghĩa của quả còn, một vật được dùng phổ biến trong trò chơi “tung còn” truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc mỗi dịp bản làng tổ chức lễ hội, du xuân. Qua nghiên cứu của anh, quả còn cũng có quá trình hình thành, phát triển, mang tâm hồn, tính cách và chứa đựng thông điệp tự sự, tình cảm của chủ thể cầm nắm nó trong mùa lễ hội. Đặc biệt, quả còn còn là “bảo chứng tình yêu” trong đám cưới, là “vật thiêng” trong trong lễ tục vòng đời của người Thái đen.
Tiếp nối thành công, anh Hân cho “ra lò” hai công trình sưu tầm, nghiên cứu gồm “Văn hóa ẩm thực của người Thái đen ở Điện Biên” (xuất bản năm 2012), “Văn hóa Chéo của người Thái đen ở Mường Thanh" (xuất bản năm 2014). Nhiều gia đình làm du lịch cộng đồng ở các bản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã "săn tìm" hai công trình này để làm cẩm nang chế biến những món ăn dân tộc thu hút khách du lịch.
Nói về khó khăn trong công việc, anh Hân chia sẻ: Để tiếp cận, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái đòi hỏi phải đi nhiều nơi, tìm đến các nghệ nhân, người già đang nắm giữ tri thức văn hóa dân gian ở khắp các bản làng. Thời gian cho mỗi chuyến đi có khi mất cả tuần, nhiều chuyến đi phải về tay không vì không gặp được chủ thể. Theo dòng chảy thời gian, mỗi lễ hội, nghi thức đã bị mai một nhiều, để phục dựng thành một chỉnh thể thống nhất phải ghi chép lại lời kể, sự hồi cố của nhiều chủ thể, sau đó người sưu tầm tổng hợp, so sánh, gạn lọc thông tin trước khi viết thành sách. Cái khó nữa là việc chuyển tải ngôn ngữ Thái sang tiếng Kinh, nếu không am hiểu về ngôn ngữ học, “tính hay” nguyên bản của ngôn ngữ Thái sẽ giảm đi đáng kể.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, anh Hân cho biết, khi nghiên cứu về một vấn đề, một lễ thức văn hóa, một lễ hội trước tiên phải xác định rõ những chủ thể nào cần phải tiếp cận để khai thác thông tin. Khi chủ thể tổ chức thực hành lễ thức tại các bản làng mình đi theo để chứng kiến trực tiếp quá trình diễn ra. Toàn bộ quá trình này, mình phải ghi âm, chụp ảnh, ghi chép, nắm bắt những tình tiết nhỏ nhất trong môi trường diễn xướng. Khi các lễ thức kết thúc, lúc đó nguồn dữ liệu đang còn “tươi mới”, phải bắt tay vào thực hiện công tác nghiên cứu và viết...
Gần 20 năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái đen, anh Hân đã rong ruổi khắp các nẻo đường đến từng bản làng có người Thái đen sinh sống. Mỗi chuyến đi như vậy, hành trang mang theo của anh ngoài vật dụng cần thiết, hỗ trợ công việc như điện thoại, máy ghi âm, giấy bút, trong ba-lô luôn có những món quà, tấm bánh để biếu tặng người cao tuổi mà anh cần gặp để khai thác thông tin.
Đến nay, anh Hân đã xuất bản 12 công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa cộng đồng dân tộc Thái đen. Nguồn sách này đã làm sống dậy phần nào kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái đen ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung. Ngoài ra, anh Hân còn nghiên cứu văn hóa các dân tộc khác như cuốn “Văn hóa dân gian người Cống tỉnh Điện Biên” (viết chung) cũng gây được tiếng vang lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc. Tại Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, anh Tòng Văn Hân đã nhận được giải B với tác phẩm “Các bài hát dân gian của người Thái ở Mường Thanh”.
Anh Tòng Văn Hân “bật mí”, ngoài sưu tầm, nghiên cứu về tri thức dân gian Thái cổ trong hệ thống luật tục, nghi lễ, anh đang tham gia lớp dạy chữ Thái cổ cho người dân trên địa bàn. Anh đang ấp ủ và sẽ thực hiện một đề tài nghiên cứu “vượt tầm” hơn: “Giải mã tính ẩn dụ trong truyện thơ “Xống chụ xôn xao”. Công trình sẽ tìm hiểu, đào sâu ngọn nguồn ngữ nghĩa và nội dung của những tín hiệu hình ảnh, hình tượng trong truyện thơ nổi tiếng của cộng đồng dân tộc Thái này.
Chia tay anh Tòng Văn Hân khi ngọn núi Pu Khàu Lanh án ngữ trước mặt bản Liếng phủ đầy khói bếp và sương chiều, suốt hành trình rời xa tiểu vùng văn hóa Thái đen này, đọng lại trong tâm trí chúng tôi là lời tự sự của anh: “Mình dấn thân làm công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa không phải vì kinh tế, thu nhập mà vì trách nhiệm của người con đứng trước kho tàng văn hóa truyền thống rất đẹp, phong phú nhưng đã và đang dần mai một của cộng đồng dân tộc Thái đen. Vì lẽ đó, mình quan niệm, cứ viết được một cuốn sách là đã góp phần phục dựng lại được một vốn cổ, quảng bá nét đẹp, tinh túy của văn hóa dân tộc Thái đen đến mọi người, mọi miền. Đó chính là nguồn vui, động lực giúp mình say mê, hứng khởi, tiếp bước con đường sưu tầm, nghiên cứu mình đã lựa chọn”.