Là một nền kinh tế có định hướng xuất khẩu, Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa nhằm thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững.
Vượt qua giai đoạn gia công
Xuất khẩu (XK) của nước ta đã duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua nhưng theo các chuyên gia thương mại tham dự Diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2013” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa mang tính bền vững. Đây là thách thức rất lớn đối với hoạt động XK năm 2013 cũng như mục tiêu XK lâu dài.
Tạo lợi thế từ sản phẩm mới
Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như những diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế với kim ngạch XK đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,12% so với năm 2011. Riêng 3 tháng đầu năm 2013, XK tiếp tục có kết quả tích cực với kim ngạch ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch XK vào các thị trường đều có mức tăng trưởng khá như Mỹ tăng 16,9%, EU tăng 32,2%, ASEAN tăng 29,5%...
May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đằng sau những con số về thành tích XK thì còn nhiều lo ngại về việc XK của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên nhiều lợi thế có sẵn như nhân công giá rẻ và nguyên liệu tài nguyên. Những lợi thế đó, đang giảm dần và mất dần cùng với thời gian nên đã và sẽ tác động lớn đến khả năng tăng trưởng XK. Ví dụ, trong số các nhóm hàng XK chủ lực, nhóm hàng khoáng sản, nguyên liệu từ chỗ dẫn đầu kim ngạch XK đã sụt giảm mạnh về kim ngạch. Ngành XK dệt may, da giày cũng đang phải đối mặt với bài toán khó do chi phí sản xuất, trong đó có chi phí nhân công tăng lên trong khi giá bán sản phẩm không tăng tương ứng.
Nhìn nhận về xu hướng XK sang Mỹ cũng có thể thấy phần nào những bất cập trong hoạt động XK của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, năm 2012, XK Việt Nam sang Mỹ đạt trên 20 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá nhưng đà tăng trưởng cũng đang giảm dần nếu so với mức trên 20% của những giai đoạn trước. Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Bộ Công Thương) XK sang Mỹ chững lại do nhiều lý do, trong đó, cần lưu ý là năng lực sản xuất và XK của nhiều mặt hàng chủ lực đã đến mức giới hạn, khó có khả năng tăng trưởng. Ví dụ, năm 2012, kim ngạch XK dệt may và da giày sang Mỹ đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm đến gần 50% tổng giá trị kim ngạch XK sang Mỹ. Do đó, để tăng kim ngạch XK dệt may, da giày hơn nữa thông qua việc mở rộng quy mô thị trường là rất khó khăn.
Tại thị trường Mỹ, có một xu hướng là trong khi các mặt hàng XK chủ lực như dệt may, da giày đã đạt đến ngưỡng tăng trưởng thì tiềm năng tăng trưởng kim ngạch XK ở những mặt hàng mới lại rất lớn như thịt gia cầm, gạch ốp lát, băng đĩa trắng... đã tăng 10 lần, máy tính tăng 25 lần... Do đó, theo ông Nguyễn Hồng Dương, để đẩy mạnh XK sang thị trường Mỹ, bên cạnh việc tập trung vào mặt hàng chủ lực thì cần mở rộng sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mới.
Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý: “Để đảm bảo tăng trưởng XK bền vững phải dựa trên chiến lược phát triển lâu dài về thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Chúng ta qua thời kỳ làm “thợ may, thợ giày” (XK dệt may và da giày theo phương thức gia công - PV) thì phải nâng cao khả năng tiếp cận về công nghệ, khả năng thâm nhập thị trường để mở rộng cơ hội và nâng cao giá trị XK.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù tình trạng nhập siêu trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm nhưng một vấn đề bất cập là hầu hết các ngành hàng XK nước ta đang phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này không chỉ gây áp lực cho công tác quản lý nhập siêu mà còn ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao giá trị XK. Nếu không chủ động được nguyên phụ liệu, thì việc tăng XK sẽ luôn đi kèm với tình trạng nhập siêu, gây áp lực lớn đến cán cân vĩ mô nền kinh tế.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhập siêu luôn là vấn đề nóng là do nhiều nguyên nhân khách quan: Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tiến trình mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập khiến cho hàng hóa nước ngoài dễ dàng xâm nhập vào nước ta hơn. Tuy nhiên, một lý do khác quan trọng là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng để đáp ứng được nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất và XK. Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt - may, giầy dép, linh kiện điện tử... thể hiện tính gia công trong hoạt động XK còn lớn. Hơn nữa, việc phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Để giải bài toán nhập siêu, theo các chuyên gia thương mại, cần có chính sách đủ mạnh để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn xây dựng các cơ sở sản xuất mang tầm khu vực tại Việt Nam. Hiện nay, mặc dù các tập đoàn đa quốc gia có mặt ở Việt Nam có mức tăng trưởng XK khá cao nhưng họ vẫn đang nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các cơ sở sản xuất của họ đặt tại các nước khác để làm hàng XK ở Việt Nam.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Thắng Hải: “Phát triển XK bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như Việt Nam, phát triển XK bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Phát triển XK bền vững đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm XK. Bên cạnh đó, cần có chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và XK. Các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại mà trọng tâm là đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) vào các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng cũng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa XK.
Tham tán Công sứ/Trưởng ban Kinh tế Thương mại của phái đoàn Liên minh châu Âu Jean-Jacques Bouflet: “Nên tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh XK” Hàng hóa Việt Nam XK vào EU hiện đang được hưởng các ưu đãi theo chương trình ưu đãi thuế quan mà EU dành cho các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, những ưu đãi đó chỉ áp dụng trong những thời điểm nhất định. Do EU đơn phương cung cấp ưu đãi thuế quan nên cũng có thể đơn phương dừng áp dụng dựa vào các đợt xem xét hàng năm. Do đó, để XK ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia. Bởi khi tham gia các FTA, việc tiếp cận thị trường sẽ chủ động hơn, môi trường đầu tư dễ dự đoán hơn. Việc Việt Nam đang nhập siêu lớn từ những nước có FTA và xuất khẩu lớn sang những nước không có FTA là vấn đề cho thấy Việt Nam cần xem xét về khả năng tận dụng cơ hội FTA. Việt Nam cũng cần lưu ý là các nước khác cũng được tiếp cận các cơ hội về thị trường theo cam kết FTA như Việt Nam. Vì thế, giải pháp quan trọng nhất để phát triển XK bền vững là nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam. Hiện nay, do thu nhập bình quân đầu người đã ở ngưỡng trung bình nên Việt Nam cần phải chuyển sang sản xuất, XK những mặt hàng có giá trị cao hơn và nhường vai trò gia công cho những nước khác có trình độ phát triển thấp hơn. Cùng với đó, Việt Nam cần chú trọng thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) để phát triển sản xuất ở trình độ cao hơn nữa để nâng cao năng lực XK. Để XK sang EU, Việt Nam cũng cần có giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm mật ong Việt Nam sau 4 năm dừng cấp phép đã được cấp phép trở lại nhờ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng tốt hơn. |
Thu Hường