Ngày Tết, có nên tích trữ nhiều thực phẩm trong nhà?

Người dân không nên coi chiếc tủ lạnh là một "bảo bối" tích trữ thực phẩm vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định.

Tiểu thương chọn mua hàng thủy sản tại chợ đầu mối Nam Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2018, dự báo các loại thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường.

Tuy nhiên, đây là thời điểm các tỉnh miền Bắc hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu.

Vì vậy, người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong những ngày Tết bởi hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn được các siêu thị, chợ lớn, nhỏ bán sẵn từ ngày 1, mùng 2 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Đặc biệt người dân không nên coi chiếc tủ lạnh là một "bảo bối" tích trữ thực phẩm vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Theo các chuyên gia, các loại thịt tươi để trong tủ lạnh tốt nhất nên dùng trong 3 - 5 ngày, cá 3 ngày. Với thức ăn chín, chỉ nên lưu cho bữa sau. Để lâu, thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố, ngay cả khi đun nấu, chỉ diệt được vi khuẩn còn độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên.

Không ăn bánh chưng đã bị mốc trắng, lên men mùi chua, đây là khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế bởi tất cả thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin. Do đặc thù thời tiết dịp Tết nên các loại hạt như hướng dương, lạc, đậu, bánh chưng... rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên người Việt hay có thói quen rửa nấm mốc rồi lại sử dụng, như bánh chưng mốc, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh bị mốc rồi rán ăn bình thường.

"Việc cắt nấm mốc chỉ đảm bảo nhãn quan bên ngoài, cái quan trọng là độc tố có trong nấm ngấm sâu trong thực phẩm mới nguy hiểm, gây hại cho cơ thể. Vì vậy người dân không nên tận dụng các sản phẩm đã bị nấm mốc", ông Nguyễn Thanh Phong cảnh báo.

Thời gian qua Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng loạt ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol. Những trường hợp này nguy cơ tử vong rất lớn, điều trị tốn kém, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, trường hợp cứu sống có thể gặp các di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ... Do đó, người dân không lạm dụng rượu bia, nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông. Nếu uống, nên hạn chế và sử dụng rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh ngộ độc.

Thủy Bình (TTXVN)
Lập 'hàng rào' ngăn thực phẩm bẩn
Lập 'hàng rào' ngăn thực phẩm bẩn

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người tiêu dùng càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Mặc dù các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực kiểm soát, song tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn xâm nhập vào thành phố vẫn còn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN