Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hy vọng: Một số điểm sửa đổi, bổ sung trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) sẽ khắc phục được phần nào những bất cập của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, đem lại “sân chơi” bình đẳng cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Khúc mắc: Đấu thầu
Trong số những điểm sẽ được sửa đổi, bổ sung lần này, nội dung "có hay không áp dụng đấu thầu đối với sản phẩm bảo hiểm"; "số phận của mô hình bảo hiểm nội bộ (captive insurer) sẽ bị cấm hay phải thêm những điều khoản chặt chẽ khi thành lập", được các doanh nghiệp bảo hiểm đặc biệt chú ý. “Người thì vui, kẻ nhảy dựng”, bởi nó có thể đem lại ngay cơ hội cho doanh nghiệp này, đồng thời có thể cắt bớt "độc quyền” của doanh nghiệp khác.
Chia sẻ với PV báo Tin Tức, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm lớn ở Việt Nam cho rằng: Nếu quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu sẽ giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam hoạt động lành mạnh hơn.
Khách hàng đang được nhân viên bảo hiểm tư vấn chọn mua bảo hiểm. |
Theo định hướng xây dựng Dự thảo Luật KDBH, khi áp dụng quy định mới, tất cả các tập đoàn, tổng công ty, dù mua sản phẩm bảo hiểm đặc thù cũng đều phải tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi. Đề cập tới vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí (PVI) - ông Vũ Văn Thắng - cho rằng: Không phải khi tất cả loại hình sản phẩm đều phải đấu thầu thì mới có hiệu quả hơn. Chẳng hạn, với những dự án công nghiệp lớn như: Hàng không, bưu chính, dầu khí…, việc thu xếp bảo hiểm đảm bảo an toàn cho những doanh nghiệp trong những lĩnh vực này thực chất là do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài vì các công ty bảo hiểm trong nước vẫn chưa đủ năng lực định ra các điều kiện điều khoản và phí bảo hiểm. Việc cạnh tranh trong nội địa có chăng chỉ là cạnh tranh mức phí dịch vụ - một khoản phí rất nhỏ trong tổng phí bảo hiểm dành cho công ty bảo hiểm trong nước - để quản lý đơn bảo hiểm, do đó những quy trình đấu thầu có thể lại làm tốn kém thời gian, tiền bạc.
Trong khi đó, một chuyên gia bảo hiểm nhấn mạnh: Việc đấu thầu là cần thiết vì ít nhất khi đưa ra đấu thầu sẽ giảm được tới 30% phí bảo hiểm. Đó là chưa kể tới việc, đấu thầu công khai rộng rãi thì nhiều công ty bảo hiểm mới có cơ hội tham gia, từ đó thêm nhiều lựa chọn khác nhau cho người được bảo hiểm.
Trong cuộc họp mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII về việc thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH, nhiều ý kiến cho rằng: Việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong những năm qua chưa thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu, từ đó đã dẫn đến những biểu hiện thiếu minh bạch trong cạnh tranh hoặc chủ dự án đưa ra các tiêu chí không minh bạch để lựa chọn DN bảo hiểm theo ý chủ quan của họ.
“Mổ xẻ” mô hình chuyên ngành
Theo Bộ Tài chính, thực tế sản phẩm bảo hiểm của các DN thuộc một số tập đoàn, tổng công ty chỉ khép kín trong ngành đã dẫn đến tình trạng thị trường bảo hiểm bị chia cắt và không đảm bảo sự lành mạnh. Có ý kiến nêu: Đây là “hệ quả” của dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành. Do luật đấu thầu hiện hành không quy định đấu thầu sản phẩm bảo hiểm nên đã xảy ra tình trạng nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế thành lập hoặc tham gia góp vốn vào công ty bảo hiểm, sau đó công ty bảo hiểm lại được đặc quyền bán bảo hiểm cho chính công ty mẹ và các thành viên trong cùng tập đoàn, tổng công ty.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 tập đoàn, tổng công ty có công ty con làm bảo hiểm, hay còn gọi là bảo hiểm nội bộ “captive insurer”. Với việc tận dụng lợi thế là DN trong ngành, những công ty bảo hiểm này chiếm ưu thế hơn cả trong việc có được các hợp đồng bảo hiểm ngành.
Liên quan tới vấn đề này, Ban Tái bảo hiểm của PVI cho rằng: Việc các tập đoàn lớn thành lập các công ty bảo hiểm chuyên ngành là một thông lệ quốc tế mà các tập đoàn lớn đang áp dụng và phù hợp xu hướng hội nhập của Việt Nam hiện nay, do vậy không nên hạn chế. Trên thế giới hiện nay, các tập đoàn dầu khí lớn đều có các công ty hoặc bộ phận chuyên trách về vấn đề bảo hiểm như: BP, Petronas, Talisman, Huyndai, Samsung…
“Việc sử dụng công ty bảo hiểm nội bộ cho các hoạt động của họ tức là các tập đoàn đã lấy lại một phần tiền đầu tư đáng ra phải trả cho các công ty khác và tái đầu tư, tăng hiệu quả hoạt động của tập đoàn”, đại diện Ban Tái bảo hiểm PVI nói.
Trong khi đó Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phân tích: Mô hình captive insurer được nhiều tập đoàn tài chính hay định chế tài chính quốc tế thuộc các nước phát triển đã làm. Tuy nhiên các tập đoàn này thường là các tập đoàn thuộc sở hữu tư nhân. Khi chào phí bảo hiểm ra thị trường, họ có mức phí hợp lý. Còn ở Việt Nam, mô hình tập đoàn phần lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Theo tính toán của một chuyên gia bảo hiểm, mức phí cho các hợp đồng bảo hiểm ngành tại Việt Nam thường cao hơn thị truờng rất nhiều. Trong khi đó, 90% tổng phí bảo hiểm của các DN bảo hiểm nội ngành thu được đều tái bảo hiểm cho các nhà tái bảo hiểm quốc tế. Hay nói cách khác, 90% phí bảo hiểm thu được của các DN captiveinsurer Việt Nam bị thất thoát ra nước ngoài (chảy máu ngoại tệ).
Phía PVI lại nhận định: Lợi thế rõ ràng nhất của captive insurer là sự thấu hiểu mục đích hoạt động, cơ chế kinh doanh và ưu nhược điểm của ngành; đồng thời có tiềm lực tài chính lớn từ hậu thuẫn của tập đoàn mẹ.
Một công ty bảo hiểm lớn ở Việt Nam đã không đồng tình quan điểm của PVI. Theo công ty bảo hiểm này, trước PVI, các công ty như: Bảo Việt, Bảo Minh đã từng làm nhiệm vụ này, họ là những doanh nghiệp bảo hiểm đã được các nhà tái bảo hiểm quốc tế công nhận có uy tín.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện nay nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế thành lập các công ty bảo hiểm và thực hiện kinh doanh bảo hiểm trong nội bộ doanh nghiệp. Điều này đã làm giảm đi tính cạnh tranh hoặc dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng. Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ: “Tôi được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu phải báo cáo chi tiết về mô hình công ty bảo hiểm nội bộ, mô hình hoạt động tài chính ra sao…”.