Càng gần Tết, thị trường hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng sôi động vì đây là thời gian cao điểm về mua sắm của người dân. Các cửa hàng kinh doanh đua nhau tung ra các chiêu bán hàng giảm giá, khuyến mãi hay tổng xả hàng để thu hút khách hàng và giải quyết hàng tồn kho. Đây cũng là thời điểm các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được tung ra thị trường tiêu thụ và có sức mua khá lớn.
Giảm giá khắp nơi
Dạo quanh các tuyến đường kinh doanh thời trang lớn của thành phố như: Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 1 và 5), Hai Bà Trưng (quận 1), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)…, nhiều người dễ bị cuốn hút bởi những tấm băng rôn quảng cáo khá “sốc” như: “Ngày rực lửa”, “Giảm giá 50%”, “Tổng xả hàng thu hồi vốn”, “Cơ hội mua sắm hàng hiệu”…
Cuối năm, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đua nhau giảm giá để thu hồi vốn.
|
Trong đó, nhiều nhãn hàng thời trang trong nước có “tên tuổi” như Blue Exchange, Việt Thy… cũng thực hiện giảm 50% giá nên hút một lượng khách rất lớn. Không chỉ các cửa hàng thời trang mới có chương trình giảm giá, ngay cả các trung tâm thương mại sang trọng hay trung tâm mua sắm sầm uất ở trung tâm thành phố như Sài Gòn Square, Diamon Plaza, Zen Plaza… cũng thi nhau tung ra các chương trình giảm giá sâu, với mức giảm trung bình từ 50-80%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoặc cửa hàng thời trang chuyên đi thu gom hàng giá rẻ về “đổ đống” bán với mức giá rất thấp cũng đã thu hút được khá đông người mua. Tại trung tâm mua sắm thời trang Trung Đức (Cách Mạng Tháng 8, quận 3) có đến 39.000 sản phẩm giảm giá 50%. Tại đây, mọi người đều có thể mua các sản phẩm quần áo thời trang với nhiều mức giá khác nhau và điều đặc biệt là giá khá rẻ nhưng vẫn đảm bảo hàng có chất lượng.
Theo nhận định của nhiều nhân viên bán hàng, mặt hàng thời trang chủ yếu bán theo mùa và cuối năm là thời điểm sức mua mạnh nhất. Các cửa hàng, doanh nghiệp đợi thời điểm này mới tung ra chiêu giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng, bởi sức mua dịp này cũng tăng khoảng 70-80% so với ngày thường.
Mặt hàng điện máy sau nhiều tháng liên tiếp chịu cảnh ế ẩm, thì nay cũng đang có những ngày chạy nước rút “giành” khách với nhiều chương trình giảm giá và khuyến mãi lớn. Tại siêu thị điện máy Chợ Lớn, với chương trình “Thương hiệu Việt được yêu thích nhất 7 năm liên tiếp”, hàng ngàn sản phẩm điện máy khuyến mãi sẽ được bán với giá ưu đãi nhất. Siêu thị điện máy Thiên Hòa thì tung ra chương trình giảm giá hơn 100.000 mặt hàng, với tổng số tiền giảm gần 20 tỉ đồng; đồng thời khuyến mãi mua hàng trúng căn hộ 1,1 tỉ đồng hoặc trúng tủ lạnh, tivi và cơ hội hoàn tiền mua sắm....
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo người tiêu dùng nên cân nhắc khi chọn những sản phẩm giảm giá để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Bởi bên cạnh sản phẩm chất lượng giảm giá thực sự để thu hồi vốn, hiện vẫn còn một số cửa hàng thời trang, siêu thị điện máy… “mượn danh” khuyến mãi để giảm giá “ảo”. Chẳng hạn, họ thường sử dụng những chiêu như trộn lẫn sản phẩm rẻ tiền, không tốt với sản phẩm chất lượng để thực hiện giảm giá; sử dụng chiêu bài tự “độn” giá lên cao rồi treo bảng giảm giá 50-80% trên sản phẩm. Tinh vi hơn, trong chiêu dụ khách hàng, một số cửa hàng treo bảng khá bắt mắt như: “Giảm giá để trả mặt bằng”, “Thanh lý hàng tồn”…, nhằm tránh sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm từ phía khách hàng.
Hàng nội lên ngôi
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nắm bắt cơ hội giảm giá cuối năm để tung ra những sản phẩm giá rẻ và chất lượng, thu hút người tiêu dùng. Từ đó tạo một xu hướng tiêu dùng mới: Người tiêu dùng đã có sự so sánh sản phẩm trong nước với các sản phẩm ngoại nhập. Theo đó, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng trong nước được lựa chọn và tin dùng là: thời trang, văn phòng phẩm, thực phẩm... Mặt khác, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện nay được phân phối tới tận tay người tiêu dùng thông qua các kênh mua sắm như: chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị… Do đó, khác với các năm trước, năm nay lượng hàng Việt Nam đang dần lên ngôi khi có sức tiêu thụ khá lớn.
Chị Thanh Thủy (nhà ở quận 3) cho biết: “Sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đang từng bước nâng cao chất lượng và mẫu mã. Vì vậy, mỗi lần đi mua sắm đồ đạc, thực phẩm cho gia đình, tôi thường lựa chọn sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để có hàng hóa với giá cả phải chăng và an toàn”.
Nhờ có sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm trong nước đã phát triển vững chắc và phát triển mạnh. Nếu như doanh thu hàng Việt Nam của Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố năm 2010 đạt 10.500 tỉ đồng, tăng lên 14.221 tỉ đồng năm 2011, thì năm 2012 vừa qua đã đạt 17.800 tỉ đồng. Hiện tỉ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống Saigon Co.op, Co.op Food chiếm hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa; đặc biệt trong 10.000 mặt hàng thường xuyên kinh doanh thì tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95%. Nhiều công ty “nội” như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm qua đã đạt doanh số trên 1 tỉ USD và tham gia có hiệu quả trong việc bình ổn mặt hàng sữa; Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng đã từng bước khôi phục lại thị trường thực phẩm chế biến khi giành được thị phần trong lòng người dân..
Tuy nhiên, để hàng Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường hơn nữa và chiếm lĩnh cả trong ý thức khi lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng, ông Dương Quan Hà - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chúng ta cần tiếp tục thực hiện, tuyên truyền cho cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đánh giá sự phù hợp cho các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước, hạn chế gây sức ép cạnh tranh lên hàng hóa sản xuất trong nước”.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết