Xúc tiến thương mại không chỉ là bán hàng

Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp phản ánh chưa nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ công tác xúc tiến thương mại (XTTM) là do kinh phí cho chương trình ngày càng bị cắt giảm. Tuy nhiên, một điểm yếu khác là bản thân doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng chưa chú trọng hoặc chưa có cách làm XTTM bài bản.

Kết nối sản xuất và tiêu thụ

Cục XTTM cho biết, hiện nay, có tình trạng DN tham gia các chương trình XTTM mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng mà chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. “Có DN tham gia bốn hội chợ Hàng Việt mà chỉ chú trọng bán hàng, không kết hợp việc bán hàng với quảng bá về DN và sản phẩm cũng như thiết lập hệ thống phân phối tại địa bàn”, một chuyên viên của Cục XTTM cho biết.

Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh tháng 12/2015. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Ngay các DN xuất khẩu cũng chưa có chiến lược bài bản khi làm công tác XTTM. Được biết, để tổ chức một đoàn XTTM ở nước ngoài thì tốn kém kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả của công tác XTTM chưa cao một phần là do DN chưa có cách làm XTTM bài bản, chưa tìm hiểu kỹ thị trường, chưa có định hướng kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ.

Với nhiều mặt hàng nông sản, kể cả gạo tuy là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng vẫn có tình trạng người dân sản xuất gạo loại nào là DN phải chạy theo bán loại gạo đó. “Tư duy sản xuất và XTTM phải thay đổi. DN phải tìm hiểu thị trường, biết nhu cầu của thị trường và đặt hàng nông dân sản xuất loại gạo mà thị trường cần”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề xuất.

Đối với cộng đồng DN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng: Ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, về phần mình các DN cần cố gắng tự thân phát triển bằng việc nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN nên xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về XTTM để có thể tham gia chủ động và hiệu quả vào các chương trình XTTM do Nhà nước hỗ trợ. “Nhà nước không làm thay DN mà hỗ trợ DN trong các hoạt động XTTM”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do kinh phí không nhiều nên không thể làm XTTM dàn trải mà nên tập trung cho các thị trường tiềm năng: “Đối với các thị trường này, DN nên có cách tiếp cận trực diện, tức là trực tiếp tham gia các hội chợ tại nước ngoài để giới thiệu tốt nhất về thế mạnh của ngành hàng và DN mình chứ không chỉ trông chờ vào các hoạt động XTTM của Nhà nước”.

Được biết, trong năm 2015, sau khi Hiệp hội Hồ tiêu tham gia Hội chợ ở châu Âu thì các nhà nhập khẩu ở châu Âu mới biết rằng các sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam được sản xuất theo quy trình công nghệ cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Nhờ đó, lượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU đã tăng mạnh.

Tập trung vào các thị trường trọng điểm

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của các đơn vị. Năm 2015, Bộ Công Thương tiếp nhận 389 đề án XTTM với tổng kinh phí đề nghị được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 240 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách chỉ bố trí được 100 tỉ đồng cho hoạt động này. Năm 2016, Bộ Công Thương tiếp nhận 496 đề án (tăng 27% so với năm ngoái) với mức kinh phí đề xuất là 296,4 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ được bố trí 90 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy kinh phí dành cho chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,003% kim ngạch xuất khẩu, trong khi tỉ lệ này của thế giới bình quân khoảng 0,11%. Như vậy, kinh phí dành cho chương trình này của Việt Nam chỉ tương đương 1/30 mức bình quân của thế giới và 1/10 so với Thái Lan.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đầu tư cho XTTM chưa bài bản, nguồn lực thiếu. Ông Hồ cho rằng, công tác XTTM của Việt Nam còn dàn trải, chưa tập trung, nguồn lực lại ít. Năm 2014, xuất khẩu hơn 30 tỷ USD nông lâm thủy sản, trong khi phần XTTM toàn ngành nông nghiệp chưa đến 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng). Đến năm nay, kinh phí XTTM chỉ còn khoảng 15 tỷ đồng là quá ít so với nhu cầu.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, do kinh phí XTTM quốc gia hàng năm đều bị cắt giảm, Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt chương trình XTTM, thậm chí “nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao nhưng do không có kinh phí nên không được phê duyệt”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong điều kiện kinh phí khó khăn, Bộ sẽ chỉ đạo triển khai công tác XTTM tập trung vào một số lĩnh vực công tác trọng tâm như mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa quá trình tham vấn với DN đổi mới nội dung XTTM. Bộ cũng sẽ tiếp tục có chỉ đạo thương vụ và các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm mà chúng ta đã kí kết thỏa thuận như Liên minh châu Âu, các nước trongTPP, thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Điểm mới của XTTM năm 2016 là Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ cho DN thuộc các nhóm ngành hàng có thế mạnh và những nhóm ngành hàng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu như: công nghiệp hỗ trợ, phát triển phần mềm, công nghiệp cơ khí… Dự kiến trong năm 2016, VN sẽ tiếp tục phối hợp các tập đoàn đa quốc gia đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị tại Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thu Hường
Xúc tiến thương mại địa phương vẫn khó
Xúc tiến thương mại địa phương vẫn khó

Khi các Hiệp định thương mại được ký kết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương càng cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên việc này vẫn là chuyện khó của nhiều địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN