Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sản xuất ra hơn 50% sản lượng lúa, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp lớn của TP Hồ Chí Minh. Dù vậy, sau 12 năm hợp tác vùng, những lợi thế, tiềm lực trên vẫn chưa được phát huy, tương xứng với tiềm năng đang có...
Liên kết đầu tư
Từ những năm 2000, các địa phương vùng ĐBSCL đã hợp tác song phương phát triển kinh tế, xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động này diễn ra mạnh mẽ nhất từ 2006 đến 2009. Đặc biệt đến năm 2009, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL theo Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức tại tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đại diện cho cả vùng ĐBSCL ký kết liên kết, hợp tác toàn diện với UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Việc hợp tác này diễn ra trên cơ sở tự nguyện, nhưng cũng là sự ràng buộc với nhau trong quá trình liên kết, hợp tác giữa vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 16/9, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì cuộc họp báo giới thiệu “Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long-Vĩnh Long năm 2013”. Thanh Vũ – TTXVN |
Trong số các địa phương có sự hợp tác mạnh, có thể kể đến Kiên Giang. Các doanh nghiệp đã đầu tư 115 dự án, với tổng số vốn đăng ký 117.126 tỷ đồng, gồm 16 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, 21 dự án đang thực hiện, 78 dự án đang xin chủ trương, đã hoặc đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư thi công xây lắp. Tỉnh Tiền Giang cũng đã thu hút được 44 dự án, gồm 17 dự án đã thực hiện hoàn thành đưa vào hoạt động, 17 dự án đang triển khai và 10 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang chuẩn bị triển khai với tổng số vốn đăng ký 12.023 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố khác trong vùng ĐBSCL cũng thu hút được khá nhiều các dự án đầu tư, hợp tác với TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có sự đồng thuận cao trong quá trình hợp tác. Kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có bước chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả sản xuất từng bước được nâng cao về chất và lượng, bước đầu đã tổ chức huy động được các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt là nội lực liên kết vùng và liên vùng, môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, nhiều dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp đã hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Các dự án phát triển sản vùng nguyên liệu nông sản, công nghiệp chế biến tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Nhiều hạn chế cần tháo gỡ
Thực tế cho thấy, việc liên kết, hợp tác trong phát triển kinh tế, xã hội giữa 13 tỉnh, phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh về mặt pháp lý chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận ký kết giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chưa có văn bản pháp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) để tổ chức triển khai thực hiện của các bộ, ngành trung ương và các địa phương bằng quy định và trách nhiệm rõ ràng.
Theo báo cáo 12 năm hợp tác liên kết giữa 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh (tính từ năm 2001 đến 2013), các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia đầu tư vào 23 khu, cụm công nghiệp thuộc các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với khoảng 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại, du lịch với tổng vốn đăng ký là 263.937 tỷ đồng. |
Việc tổ chức điều hành Chương trình hợp tác chung và các Chương trình hợp tác theo lĩnh vực của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương hợp tác còn lúng túng, chưa mang tính liên tục, thường xuyên. Ngay cả việc tổ chức thực hiện cũng chưa cụ thể, thiếu chiều sâu nên hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên của hai bên hợp tác. Số dự án và vốn đăng ký đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh. Số dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp còn ít. Hầu hết tiến độ triển khai các dự án còn chậm so với dự kiến.
Theo Thạc sỹ Cao Minh Nghĩa, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, hạn chế lớn nhất trong quá trình hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL là các doanh nghiệp tiến hành hợp tác với nhau theo xu thế tự nguyện, mang tính tự phát, không tuân theo một cơ chế thống nhất mang tính tổng thể phát triển vùng. Chưa có sự chuyên môn hóa về phát triển các ngành kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong toàn vùng ĐBSCL. Tất cả các ngành kinh tế đều phát triển dàn trải trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung kí kết còn hạn chế, thiếu chiều sâu, nhất là đối với các doanh nghiệp. Chưa thực hiện được các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chiều sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốt nhất lợi thế trong hợp tác để khai thác đúng mức tiềm năng của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, việc huy động các nguồn lực tài nguyên đặc biệt là đất, nguồn nước, giống cây, con, vốn tín dụng và nhân lực qua đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu sự ổn định về chính sách, pháp luật. Việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đầu tư vào hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn thấp, chất lượng và hiệu quả chưa cao nên chưa tạo được lợi thế giá nông sản so với các nước trong khu vực, chưa làm tăng thu nhập, ổn định đời sống bền vững cho người lao động, đặc biệt là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Sản phẩm của Công ty Antesco (An Giang) được giới thiệu tại hội nghị các ngành Công thương ĐBSCL lần thứ 13 năm 2013. Thu Trang- TTXVN |
Các chính sách công nghiệp hóa nông nghiệp thôn vùng ĐBSCL cũng còn bất cập. Môi trường đầu tư, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đặc biệt là công tác thu hồi giao đất cho các nhà đầu tư, kinh doanh một số địa phương giải quyết còn chậm, làm lỡ cơ hội đầu tư. Kết quả đầu tư của các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh vào các lĩnh vực là thế mạnh của vùng ĐBSCL còn thấp, như: Kiên Giang chỉ chiếm 1,2% (1.411 tỷ đồng/117.126 tỷ đồng), Bến Tre chỉ chiếm 1,16% (63 tỷ đồng/5.436 tỷ đồng), An Giang thuộc vùng tứ giác Long Xuyên cũng chỉ chiếm 2,57% (154,5 tỷ đồng/6.018 tỷ đồng). Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật mới trong sản xuất khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của đa số các nhà đầu tư cũng chưa đem lại hiệu quả tương xứng với đồng vốn đã đầu tư.
Lê Hiền-Xuân Quang