Các doanh nghiệp lo lắng tìm kiếm thị trường mới trước thách thức tình hình dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng chung nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù, đã tiêu thụ hết lượng dừa tồn kho từ đầu năm 2022 đến nay bằng cách tìm đến các thị trường khác, tuy nhiên, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong cho rằng, thị trường Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiềm năng, công ty xuất khẩu dừa qua Hoa Kỳ chiếm chủ yếu so với thị trường khác.
Theo ông Thuật, trước đây việc xuất khẩu dừa uống nước sang thị trường Hoa Kỳ thuận lợi nhưng hiện nay, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cho rằng chưa có ký kết với Việt Nam về xuất khẩu mặt hàng dừa uống nước nên chưa cho nhập khẩu dừa uống nước.
Ông Thuật cho biết, thời gian qua, việc tắc nghẽn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ảnh hưởng lớn đối với công ty. Do các khách hàng đã tìm đến các nhà cung cấp khác, nên sau này nếu mở cửa xuất khẩu sang Hoa Kỳ trở lại công ty mất nhiều thời gian để tìm khách hàng mới.
Bên cạnh đó, giá vận chuyển tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Thuật mong muốn, ngành chức năng nhanh chóng kết nối với các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc để việc xuất khẩu được thuận lợi.
Theo anh Trần Văn Tâm, thương lái thu mua dừa khô nguyên liệu tại Bến Tre, hiện nay xuất khẩu dừa khô nguyên liệu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do Trung Quốc đang thực hiện chính sách "ZERO COVID" thị trường xuất khẩu chững lại nên giảm thu mua, kéo theo giá dừa khô nguyên liệu giảm.
Anh Tâm chia sẻ, anh chỉ thực hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên anh đang phải dừng, giảm sản lượng chờ tìm được thì trường khác tiếp tục thu mua.
Theo Sở Công Thương Bến Tre, các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre xuất khẩu dừa xiêm (dừa uống nước) giảm hơn 50% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Theo các doanh nghiệp, quý I/2022 xuất khẩu không bằng một tháng của năm trước. Lượng dừa xiêm xuất khẩu, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 40%, nhưng đến nay vẫn chưa xuất khẩu được. Hiện tại, thị trường xuất khẩu dừa xiêm chủ yếu của các doanh nghiệp trong tỉnh là Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…
Nguyên nhân xuất khẩu dừa xiêm bị giảm do cước vận chuyển cao gấp từ 3-6 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, giá thu mua dừa xiêm trong tỉnh đang tăng cao do sản lượng ít và thị trường trong nước đang hút hàng, do đó, doanh nghiệp không thể xuất khẩu.
Ngoài ra, trong quý I /2022, lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, còn chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. Hiện, các doanh nghiệp đã chuyển xuất khẩu dừa khô sang thị trường Thái Lan nhưng, hiện tại giá dừa khô trong tỉnh đang giảm khá nhiều, chỉ còn từ 40.000-50.000 đồng/chục và nhiều cơ sở tạm ngưng thu mua.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho hay, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh kiến nghị Trung ương về việc kết nối các thị trường xuất khẩu nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc và các thị trường khác; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường các nước.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài thông qua nhiều hình thức; theo dõi, thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh liên hệ chặt chẽ với các Đại sứ ở nước ngoài, Tham tán thương mại tại các nước là các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng của tỉnh, để nắm được các nhu cầu, thị hiếu, cảnh báo về thị trường...Từ đó, thông tin kịp thời đến doanh nghiệp và nhất là nhờ các đại sứ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với nhà nhập khẩu các nước, chú trọng các nước trong Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Mặt khác, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua kênh thương mại điện tử như tổ chức các phiên chợ online, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba,... để thúc đẩy xuất khẩu.