Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng tốc

Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong quý I/2014 đã tăng tới 9,4% (đạt khoảng 6,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.


Thủy sản tiếp tục bứt phá


Dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong quý I của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là ngành hàng thủy sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 1,61 tỷ USD, tăng tới 35% so với năm 2013.


 

Anh Tạ Văn Vân, ở thôn 5, xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch cà phê.

Theo Tổng cục Thủy sản, sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản (2010-2013), sản phẩm thủy sản tiếp tục duy trì uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất thủy sản góp phần vào đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, phát triển thủy sản vẫn chưa thể hiện tính bền vững, tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng còn thấp; hiệu quả khai thác hải sản chưa cao do chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm thủy sản chủ lực. Những hạn chế trên đòi hỏi ngành thủy sản phải nỗ lực hơn thời gian tới để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bền vững.


Để duy trì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, theo chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ông Ngô Anh Tuấn, ngành thủy sản nên tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực từ nay đến 2020 để nâng cao giá trị gia tăng gồm: cá ngừ đại dương, tôm nuôi công nghiệp và cá tra.


Ông Tuấn lý giải: Do nhu cầu của thị trường lớn nên 3 sản phẩm này chiếm tới 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Bên cạnh đó, dư địa cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa còn lớn. Do vậy, việc tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm này rất khả quan.


Cà phê được giá do biết nắm bắt thị trường


Ngoài thủy sản, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất cả về giá trị và khối lượng. Khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 601.000 tấn, trị giá 1,17 tỷ USD, tăng 24,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.


Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), đạt được kết quả trên là do người dân và doanh nghiệp đã bám sát diễn biến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đúng thời điểm giá cà phê tăng cao.


“Vicofa cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ để người dân và doanh nghiệp nắm được diễn biến thị trường. Đồng thời, người dân cũng tích cực cập nhật thông tin từ các trang web thị trường trên thế giới. Thậm chí, có nhiều hộ dân còn bỏ tiền mua thông tin thị trường. Do vậy, họ nắm rất sát tình hình cung cầu cà phê thế giới”, ông Tự cho biết.


Do nắm được cung cầu thị trường cà phê, nên cuối năm 2013, khi giá cà phê xuống thấp, người trồng cà phê không vội vàng bán ra. “Họ biết được thông tin nguồn cung cà phê ở Braxin và Ấn Độ bị giảm mạnh do thời tiết bất lợi. Cách đây 2 tuần, khi giá cà phê tăng mạnh thì người dân mới chủ động bán ra và thu được nhiều lợi nhuận hơn”, ông Tự lý giải.


Bên cạnh đó, người trồng cà phê cũng được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn tín chấp lên tới 50 triệu đồng, được giãn nợ nên không phải bán vội cà phê để trả nợ ngân hàng.


Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, tình hình xuất khẩu cà phê trong quý II/2014 tiếp tục khả quan, nhưng giá cả và số lượng có thể không tăng mạnh như quý I/2014.


Ngoài cà phê, xuất khẩu hạt tiêu cũng đạt 49.000 tấn, trị giá 332 triệu USD, tăng 29,4% về khối lượng và tăng 32,3% về giá trị… Tuy nhiên, xuất khẩu gạo trong quý I/2014 của Việt Nam giảm tới 14,9% về khối lượng và 10,4% về giá trị. Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 524.000 tấn với giá trị 243 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm lên mức 1,31 triệu tấn và 616 triệu USD.


Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt khá là do nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, nhất là vấn đề nâng cao trình độ sản xuất, chế biến thông qua việc đầu tư, ứng dụng các công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng các qui trình sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm phong phú, đa dạng.


Đến nay, nhờ tích cực áp dụng các biện pháp quản lý theo hệ thống như VietGAP, ISO, HACCP… nên nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng từ các thị trường nhập khẩu.

 

 

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN