Với kim ngạch xuất khẩu như vậy, ngành lâm nghiệp sẽ xuất siêu khoảng 8 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các sản phẩm lâm sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Cả nước có trên 4.500 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản; trong đó có trên 1.800 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu. Cùng với các doanh nghiệp trong khối FDI đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, kết quả trên có được là nhờ tái cơ cấu ngành đã có sự chuyển biến tích cực, quan trọng. Nhiều diện tích rừng sản xuất đã chuyển mạnh từ sản xuất quảng canh, phủ xanh đất trống đồi núi trọc sang thâm canh, liên kết tạo chuỗi giá trị.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 11 tháng năm 2019, cả nước khai thác rừng trồng tập trung đạt 192.000 ha, sản lượng tương ứng 18,2 triệu m3, tương đương 93% kế hoạch năm 2019, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm 2018. Ước cả năm khai thác rừng trồng tập trung đạt 19,5 triệu m3, đạt 100% kế hoạch.
Đóng góp nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ, khai thác gỗ cao su thanh lý 11 tháng đạt 22.000 ha với sản lượng khoảng 4,75 triệu m3. Đây được xem là nguồn nguyên liệu lớn, ổn định và đảm bảo về nguồn nguyên liệu hợp pháp, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.