Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản tám tháng năm 2019 đạt hơn 7 tỷ USD, đạt gần 65% kế hoạch năm.
Tám tháng đầu năm 2019, lâm sản xuất siêu ước khoảng 5,4 tỷ USD. Điểm đến của 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, các sản phẩm gỗ như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xây dựng trở thành mặt hàng được xuất khẩu chủ yếu bên cạnh các mặt hàng gỗ như gỗ ghép thanh, viên nén, dăm gỗ... Việc đáp ứng yêu cầu của các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ khẳng định uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam ngày càng tăng trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp tiếp tục duy trì kết quả khả quan, tiến tới hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019. Dự kiến, những tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu lâm sản khi các doanh nghiệp đã có các đơn hàng xuất khẩu.
Hiện Việt Nam vẫn duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. Bên cạnh việc xuất khẩu đến trên120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết đúng theo tinh thần Luật Lâm nghiệp 2017.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, trong những tháng cuối năm, ngành lâm nghiệp tiếp tục tháo gỡ rào cản thương mại bằng cách tích cực và chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở của thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phấm gỗ Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; cung cấp thông tin về ngành chế biến gỗ Việt Nam và các quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp.
Ngành Lâm nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU, cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, phát triển bền vững ngành gỗ. Tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệt quả kinh tế cao, ổn định về trữ lượng và đầu ra cho người dân.