Xuất khẩu làm động lực cho tăng trưởng

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong bối cảnh sức cầu nội địa còn hạn chế, việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu đóng vai trò quan trọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

 


Xuất khẩu công nghiệp chế biến tăng cao


Kim ngạch xuất khẩu (XK) quý I/2014 ước đạt 33,35 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 là kết quả khá tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2014.

 

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng khả quan.Ảnh: Lê Phú

 


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhờ tăng trưởng XK được mở rộng nên tốc độ tăng XK đã cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Kim ngạch XK và nhập khẩu tăng lần lượt 14,1% và 12,4%. Bên cạnh đó, cán cân thương mại đã được cải thiện đáng kể. Trong quý I, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010 đến nay.


Cơ cấu hàng XK cũng đang có chuyển biến tích cực với tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng lên 70,6% trong tổng kim ngạch XK, trong khi một số nhóm hàng không khuyến khích XK như nhiên liệu và nguyên liệu giảm. XK dầu thô đã giảm đáng kể trong 5 năm qua do nhu cầu đối với dầu nội địa tăng và năng xuất lọc dầu trong nước đang tăng lên.


Đóng góp lớn vào kết quả XK chung phải kể đến nhóm hàng công nghiệp chế biến, khi 3 tháng đầu năm, nhóm này đem về hơn 23,5 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với tăng hơn 3,5 tỷ USD. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là gỗ và sản phẩm gỗ với mức tăng 23,3%; hàng dệt và may mặc tăng 21,9%; giày, dép các loại tăng 25,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 22,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 26,7%; máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 9,7%.


Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Hiện nay, một số ngành hàng như dệt may, da giày đã có đơn hàng sản xuất và XK ổn định đến hết quý III, thậm chí cho cả năm đối với các doanh nghiệp ngành dệt may và đến tháng 8 đối với các doanh nghiệp da giày.


Hoạt động XK đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự đóng góp lớn của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu không kể dầu thô XK khối này tăng 18,9%. Điều này cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực, kinh nghiệm và thị trường sẵn có vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng XK. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý trong quý I là XK của khối các doanh nghiệp trong nước so với cùng kỳ năm 2013 cũng đã tăng 9,8% (quý I/2013 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012), chứng tỏ các doanh nghiệp trong nước đã có dấu hiệu phục hồi sản xuất, thúc đẩy XK.


Trong báo cáo đánh giá về Việt Nam mới đây, Ngân hàng HSBC cho biết viễn cảnh XK năm nay của Việt Nam là lạc quan. HSBC cho rằng tăng trưởng XK sẽ mạnh lên khi XK hàng nông sản phục hồi, đặc biệt là cà phê. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mạnh tay của Intel, Samsung và nhiều tập đoàn khác đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu. Kim ngạch XK của mặt hàng điện tử tăng gần 68% trong năm 2012 và 35% trong năm 2013. Xuất khẩu điện thoại tăng lần lượt 85% và 67% trong 2 năm qua.


Giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng 10%


Bên cạnh những con số tăng trưởng như vậy, giá và lượng của nhiều mặt hàng XK chủ lực đang giảm mạnh là gam màu tối của bức tranh XK quý I nói chung.


Theo thống kê 3 tháng đầu năm, nhóm hàng nông sản bao gồm các mặt hàng như cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn do chịu ảnh hưởng của thời tiết nên giá xuất khẩu đã bị giảm từ 2 - 24,8%.


Ngoài ra, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản quý I/2014 ước đạt 2,3 tỷ USD, chiếm gần 7,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 9,0% so với cùng kỳ năm 2013 do giá nhiều mặt hàng trong nhóm này đi xuống. Trong đó, giảm sâu nhất là mặt hàng quặng và khoáng sản giá giảm tới 66,3%; than đá giảm 26,9%...


Không chỉ thua thiệt về giá mà lượng XK của hai nhóm hàng trên cũng suy giảm. Tính chung, kim ngạch XK của nhóm mặt hàng nông sản và khoáng sản thời gian này đã giảm khoảng 390 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.


Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 145,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái thì bình quân mỗi tháng tiếp theo phải đạt hơn 12,4 tỷ USD, trong khi ba tháng đầu năm mới đạt 11,12 tỷ USD/tháng. Vì vậy, để cán đích như kế hoạch đề ra thì cần nhiều hơn nữa những cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Nguyễn Tiến Vỵ, lượng XK của một số mặt hàng nông sản giảm cho thấy sự hạn chế trong việc gia tăng sản lượng và sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (mặt hàng gạo, cà phê...). Giá XK một số mặt hàng nông sản giảm và tăng thấp so với cùng kỳ đã khiến kim ngạch XK nhóm này sụt giảm. Vì vậy, ngoài các giải pháp như mua tạm trữ thì các giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng, tìm kiếm thị trường cần phải được quan tâm thúc đẩy hơn nữa.


Đối với mặt hàng nông sản, bên cạnh việc nâng cao khả năng dự trữ tạo điều kiện cho việc ứng phó và điều tiết trước những biến động về giá trên thị trường thế giới, cần chú trọng hơn nữa về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị các nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng cũng như nâng cao được khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, đối với mặt hàng gạo, tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả công tác điều hành XK gạo, tích cực tìm kiếm các thị trường tiềm năng, thúc đẩy XK các mặt hàng này.


T.Hường

Xuất khẩu gạo quý II sẽ chịu nhiều áp lực
Xuất khẩu gạo quý II sẽ chịu nhiều áp lực

Quý I/2014 được đánh giá không có nhiều khởi sắc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu không đạt như kỳ vọng và giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN