Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình thu mua và xuất khẩu gạo vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung tăng mạnh, đặc biệt là việc Thái Lan xả hàng gạo tồn kho với giá rẻ.
Lượng giảm, giá cũng giảm
Lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng qua giảm tới 15,7% so với cùng kỳ và giá gạo xuất khẩu cũng tiếp tục giảm. Theo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng qua chỉ đạt 438,49 USD/tấn, giảm 3,25% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng xuất khẩu giảm, giá giảm khiến cho kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.
Thu hoạch lúa hè thu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Duy Khương - TTXVN |
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng qua có bước tăng trưởng mạnh, đạt trên 1,47 triệu tấn với giá trị 609,13 triệu USD, chiếm tới gần 33% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng lần lượt là 9,6% và 6,8%. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tăng mạnh, tương ứng tăng 62,8% và 17%.
Khối lượng gạo xuất khẩu 8 tháng qua đạt 463.000 tấn, trị giá 202 triệu USD; đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đạt 4,69 triệu tấn với kim ngạch 2,05 tỷ USD, giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. |
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cân đối được về mặt thị trường. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và nhiều thị trường khác giảm mạnh. Riêng với thị trường Trung Quốc, trong những tháng gần đây, nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam lại tăng mạnh. Tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường này còn rất lớn.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, mức độ rủi ro đối với các doanh nghiệp khi xuất khẩu gạo sang thị trường này không phải là nhỏ. Lượng hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp hai bên khá lớn, nhưng số hợp đồng bị phía đối tác hủy có tháng lên tới hàng chục phần trăm. Do vậy, theo ông Phong, bên cạnh việc tiếp tục đưa gạo sang thị trường này thì các doanh nghiệp cần khai thác thêm các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Phi, một thị trường tương đối dễ tính. Theo Bộ NN&PTNT, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Angola tăng 23% và Gana tăng 28%.
Đề xuất mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo
Tại thời điểm này, vùng ĐBSCL vẫn đang trong giai đoạn thu hoạch lúa hè thu. Các địa phương đã thu hoạch được 1,2 triệu ha, chiếm 70% tổng diện tích xuống giống.
Sau khi kết thúc việc thu mua tạm trữ lúa hè thu, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh, với mức giảm tới gần 1.000 đồng/kg, tùy loại lúa. Bên cạnh đó, cuối tháng 8 vừa qua, Thái Lan bất ngờ xả hàng gạo tồn kho với giá thấp 380 USD/tấn. Với mức giá này, sau khi chế biến, doanh nghiệp Thái Lan có thể xuất khẩu với giá khoảng 410 - 420 USD/tấn, xấp xỉ với giá xuất khẩu gạo 5% của Việt Nam.
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về việc xuất khẩu gạo của Việt Nam có đáng lo ngại hay không khi Thái Lan đang xả kho dự trữ lên tới 7 triệu tấn, ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, gạo Thái Lan có phẩm cấp hoàn toàn khác nên không phải là mặt hàng cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong đợt vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã tìm cách bán đấu giá nhưng cũng chỉ bán được hơn 200.000 tấn. |
Theo đại diện của VFA, Thái Lan hiện tồn kho tới 17 triệu tấn gạo. Khi nước này xả hàng tồn kho với giá rẻ, chắc chắn việc xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn sẽ càng chật vật hơn. Bởi không chỉ phải cạnh tranh về giá, gạo Việt Nam còn phải cạnh tranh cả về thị trường với gạo Thái Lan.
Trước thực tế trên, VFA đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho mua tạm trữ thêm 300.000 tấn quy gạo vụ hè thu và vụ thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa. Thời gian mua từ ngày 15/9 - 15/10. VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ 300.000 tấn gạo này thời gian là hai tháng (từ 15/9 - 15/11).
Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thêm thời hạn hỗ trợ lãi suất vay mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ vụ hè thu. Theo đó, thay vì các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu phải trả nợ vào ngày 15/9, nay đề nghị được phép kéo dài đến 15/10, giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bán tháo gạo khi đến hạn.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), chính sách thu mua tạm trữ vào thời điểm thu hoạch rộ chỉ là giải pháp đòn bẩy, giúp ngăn giá lúa giảm sâu. Còn về lâu dài, để cả doanh nghiệp và nông dân có lãi thì bài toán tốt nhất là doanh nghiệp và nông dân phải xích lại gần nhau hơn nữa. Các doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Huyền Tím