Tính đường dài cho hạt gạo Việt Nam

Theo kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2013, đến hết ngày 31/7 là hạn chót nhưng lượng thu mua mới được khoảng 80 - 85%. Đây là lần đầu tiên chỉ tiêu thu mua đã không thực hiện như kế hoạch đề ra. Do đó, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu 2013 đến ngày 15/8 với mong muốn ổn định giá gạo vào thời điểm thu hoạch rộ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Kéo dài thời gian thu mua tạm trữ


Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích lúa vụ hè thu ở vùng ĐBSCL là 1,68 triệu ha với sản lượng đạt khoảng 9,3 triệu tấn lúa (4,65 triệu tấn quy gạo). Thời vụ thu hoạch vụ hè thu sẽ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, trong đó tháng 7 và tháng 8 là đợt thu hoạch rộ với diện tích 680.000 ha/tháng, tương đương với đó là lượng lúa gạo hàng hóa sẽ được đưa ra thị trường ở thời điểm này. 


Vận chuyển gạo nguyên liệu vào dự trữ chế biến xuất khẩu tại Xí nghiệp xay xát và chế biến lương thực Việt Nguyên (Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang).

Đến hết tháng 7, tính toán mới nhất của Cục Trồng trọt hiện ở vùng ĐBSCL vẫn còn khoảng 800.000 ha lúa chưa thu hoạch, vì vậy nếu kết thúc thu mua tạm trữ ở thời điểm này là chưa hợp lý cho bà con ở một số vùng lúa thu hoạch muộn hơn. Theo con số cập nhật mới nhất, hiện một số tỉnh còn diện tích lúa lớn chưa thu hoạch như: Long An còn 50%, Kiên Giang 60%, Trà Vinh 70%, Sóc Trăng 64%. Các địa phương đã thu hoạch cơ bản diện tích là Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang... Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL, giá lúa đang ở mức cao hơn so với đầu vụ khoảng 500 - 700 đồng/kg do các doanh nghiệp vừa triển khai mua tạm trữ và việc mua thương mại cũng đang được thúc đẩy.


Nâng cao chất lượng hạt gạo


Để gạo Việt Nam thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhất là thời điểm thu hoạch rộ, ngoài phương án mua tạm trữ để giải quyết vấn đề trước mắt, các chuyên gia kinh tế cho rằng về lâu dài thì cần phải nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và hạ giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.


Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang) cho rằng, thay vì việc trồng quá nhiều giống lúa như hiện nay, các địa phương cần điều chỉnh lịch thời vụ, tập trung vài giống chủ lực cho xuất khẩu như loại gạo thơm. Ngành nông nghiệp cần nhanh chóng đặt hàng các viện nghiên cứu giống lúa đặc thù Việt Nam, có thể trồng trên diện rộng và ổn định lâu dài để có lượng gạo hàng hóa lớn đồng đều về chất lượng, tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.


Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 14 ngân hàng thương mại đã được chấp thuận cho vay mua tạm trữ thóc, gạo sẽ phải kéo dài thời hạn cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu năm 2013. 14 ngân hàng thương mại này gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt) cho rằng, các địa phương chỉ có thể vận động, khuyến khích người dân trồng các loại lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không thể bắt ép người dân được. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ cần thông qua việc đặt hàng với địa phương trồng các giống lúa và cam kết thu mua, chắc chắn người dân sẽ đáp ứng yêu cầu ngay. Tuy nhiên, đến thời điểm này cách làm đó vẫn chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tính đến nhiều mà việc thu mua chủ yếu dựa vào hàng xáo, sự liên kết giữa người trồng, chế biến và kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn lỏng lẻo.


Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm giá thành sản phẩm thì người nông dân mới có lãi lớn vì giá bán phải phụ thuộc vào mặt bằng thị trường thế giới, không thể nói do giá thành cao nên phải bán giá cao. Để rút ngắn khoảng cách giá thành sản xuất, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng các địa phương phải hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng lúa, sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời cần ổn định giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…


Theo VFA, thị trường gạo Việt Nam đang có sự phân khúc rõ nét giữa gạo chất lượng cao với gạo chất lượng thấp, trong đó gạo chất lượng đang được thị trường ưa chuộng và đã thâm nhập vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản. Gạo thơm bán được giá hơn gạo thường và xuất khẩu tăng mạnh, chiếm 12,6%, tăng đến 77,8% so với 6 tháng đầu năm 2012.



Liên Phương

Khi nông dân chán ruộng - Bài cuối: Làm giàu từ đồng lúa
Khi nông dân chán ruộng - Bài cuối: Làm giàu từ đồng lúa

Trong bối cảnh nhiều người nông dân chán ruộng, ở nhiều nơi, người nông dân vẫn mỗi ngày làm giàu trên đồng đất quê mình. Họ đã làm như thế nào và liệu có mẫu số chung giải bài toán kinh tế bằng nông nghiệp?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN