Cùng với đà tăng của giá, sản lượng và giá trị xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam cũng tăng mạnh, đưa tổng khối lượng XK gạo 9 tháng qua lên 6,2 triệu tấn (bằng chỉ tiêu cả năm 2011) với kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 25,6% về giá trị. Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khả năng XK gạo trong năm 2011 với kỷ lục 7 triệu tấn sẽ là mục tiêu “trong tầm tay”.
Khẳng định vị trí hàng đầu
Nhìn lại quá trình tham gia thị trường gạo thế giới có thể thấy đến năm 2007 kinh tế Việt Nam mới chính thức hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng người nông dân sản xuất gạo Việt Nam đã tham gia thị trường lúa gạo thế giới từ trước đó gần 2 thập niên. Từ năm 1989, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp gạo quan trọng trên thị trường thế giới. Giai đoạn 1989 - 2008, Việt Nam XK bình quân hàng năm trên 3 triệu tấn gạo sang 128 quốc gia.
Kho gạo xuất khẩu của Công ty Lương thực Đồng Tháp. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN |
Trong giai đoạn 2006 - 2010, XK gạo đạt gần 27 triệu tấn với tổng giá trị hơn 10,5 tỷ USD. Đặc biệt, từ năm 2008, trị giá tăng vọt gần 100% so với năm trước do giá gạo trên thị trường tăng đột biến, đạt gần 2,7 tỷ USD, đưa năm 2008 trở thành dấu mốc kim ngạch XK gạo vượt con số 2 tỷ USD. Đặc biệt, trong vòng 3 năm trở lại đây, XK gạo đã đạt mức kỷ lục liên tiếp về số lượng và trị giá. Năm 2009, số lượng XK gạo đã tăng vọt, đạt mức hơn 6 triệu tấn. Đến năm 2010, XK gạo tiếp tục đạt mức kỷ lục mới về cả số lượng và trị giá với 6,75 triệu tấn và gần 3 tỷ USD.
Với thị trường toàn cầu, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, giữ được giá XK và có khả năng cạnh tranh cao ở loại gạo cấp trung bình. Việc duy trì các thị trường truyền thống và liên tục mở rộng các thị trường mới đóng vai trò nền tảng giúp ngành lúa gạo Việt Nam khắc phục khiếm khuyết về giống lúa, chất lượng gạo, tập quán canh tác, sức chứa kho dự trữ, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến.
Đặc biệt, năm 2011, mặc dù có những lo ngại trước những diễn biến trái chiều (như việc chính phủ Thái Lan cam kết nâng giá thu mua lúa gạo trong nước để đẩy giá gạo trên thị trường thế giới có thể lên mức 800 USD/tấn, điều này khiến giá gạo của Việt Nam cũng có thể tăng theo, nhưng cũng có thông tin Ấn Độ đã quyết định XK trở lại 1 triệu tấn gạo với giá sàn chỉ là 400 USD/tấn và gạo của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ để có thể tiếp tục xuất đi châu Phi...), nhưng XK gạo Việt Nam vẫn đang trên đà tiến tới những kỷ lục mới cả về giá trị và sản lượng. Tính chung trong 9 tháng qua, giá gạo XK bình quân của Việt Nam vẫn đạt 495 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn thế, khoảng cách về giá một số loại gạo chủ yếu XK của nước ta so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan chẳng những đã được san bằng, thậm chí có những thời điểm còn cao hơn từ 1 - 6 USD/tấn. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định vị thế của gạo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, với những thành tựu này, thời gian qua Chính phủ luôn xem lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp - nông thôn, từ đó có những chính sách đầu tư đáng kể cho lúa gạo. Đặc biệt trong những năm gần đây, chủ trương thu mua tạm trữ để tránh tình trạng lúa rớt giá mỗi vụ thu hoạch, đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người trồng lúa từ 30% là một cam kết khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với sản xuất lúa gạo - một ngành hàng với sự tham gia của hàng chục triệu nông dân, không chỉ có ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, mà còn đóng góp lớn về kinh tế và tham gia khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng cho rằng, thành công về lúa gạo của Việt Nam hiện nay là niềm mơ ước của nhiều nước, nhưng trước giai đoạn mới, sản xuất và XK lúa gạo cũng cần phải thay đổi, trong đó những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo là những việc cần làm ngay.
Dự báo về tình hình XK gạo trong giai đoạn 2012 - 2015, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: Trong 4 năm tới sản lượng gạo XK của Việt Nam sẽ ổn định ở mức 6 triệu tấn/năm, nhưng thị trường sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung cấp mới. Đặc biệt trong thời gian tới, những diễn biến phức tạp vốn là đặc điểm của thị trường lúa gạo thế giới nhiều năm nay và việc cần theo dõi sát, nhanh nhạy để quyết định XK với giá có lợi nhất vẫn là một bài toán cần tính kỹ với các DN XK gạo của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc mở cửa thị trường XK gạo.
Nếu như trước đây, để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài phải liên doanh, liên kết với DN trong nước trong thu mua, XK lúa gạo thì từ năm 2011 với việc tuân thủ cam kết WTO về mở cửa thị trường lúa gạo, các DN nước ngoài có thể trực tiếp tham gia thị trường lúa gạo Việt Nam. Thị trường thu mua, XK lúa gạo của các DN trong nước vốn đã nhiều cạnh tranh, nay lại đối phó với sự cạnh tranh của các DN nước ngoài muốn “chen chân” vào thị trường này. Trong khi xét về năng lực thị trường, vốn, chỉ có những DN lớn mới có thể cạnh tranh, còn phần lớn DN nhỏ của Việt Nam đều thua thiệt so với các DN nước ngoài.
Để đối phó với “làn sóng” cạnh tranh này, VFA cho rằng giải pháp cơ bản là các DN cần thiết lập, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo sự gắn bó mật thiết với nông dân, tạo thành những chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất và XK lúa gạo. Đây cũng là mô hình nhiều DN XK đang xây dựng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt khác, trước những cạnh tranh với những nguồn cung ứng mới của thị trường gạo thế giới như Campuchia và Bănglađét, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng lúa gạo trên cơ sở chọn giống và thiết lập các vùng nguyên liệu chất lượng cao, từng bước hình thành thương hiệu sản phẩm riêng. Cùng với đó, những hạn chế bộc lộ trong công tác điều hành XK gạo thời gian qua cũng cần được nhanh chóng khắc phục, đồng thời đảm bảo duy trì mục tiêu mấu chốt của vấn đề là phải đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30% cũng như giảm thiểu những rủi ro cho người trồng lúa là những giải pháp cần thiết để đảm bảo nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của lúa gạo Việt Nam.
Phạm Thanh Hương