Khoảng một tuần nay, giá thu mua lúa gạo của thương lái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhích dần lên. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thu mua, giá lúa gạo sẽ tiếp tục có những chuyển biến thuận lợi trong thời gian tới nhờ có nhiều hợp đồng xuất khẩu (XK) mới được kí kết.
Xuất khẩu khởi sắc...
“Nếu như hồi đầu năm, nhiều chuyên gia cho rằng ít nhất phải từ quý III trở đi, đầu ra cho hạt gạo Việt Nam mới sáng lên, thì thực tế hiện nay cho thấy, tình hình XK đã trở nên thuận lợi hơn ngay từ cuối quý I này”, Chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong nhận định. Theo ông Phong, nếu như giữa tháng 2, lượng gạo ký hợp đồng XK mới đạt trên 1,4 triệu tấn (giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái), thì đến giữa tháng 3, lượng gạo ký hợp đồng XK đã tăng lên 2,4 triệu tấn (tương đương với cùng kỳ 2011) và tính đến ngày 25/3, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo. VFA dự kiến, lượng hợp đồng ký đến hết quý 1/2012 vào khoảng 3,2 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 15%. Hơn nữa, theo VFA, giá gạo xuất khẩu cũng có những diễn biến khá thuận lợi, khi so với hồi đầu tháng 3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 10 USD, lên 450 USD/tấn.
Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh (Foodcosa) vận chuyển gạo vào nhà máy để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Cũng theo ông Phong, xuất khẩu gạo có tín hiệu khởi sắc một phần là nhờ thị trường mới Trung Quốc. “Từ đầu năm 2012 đến nay đã có khoảng 500.000 tấn gạo được ký hợp đồng XK sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, chủ yếu là gạo chất lượng cao 5% tấm. Bên cạnh đó, đã có khoảng 400.000 tấn gạo xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là gạo phẩm cấp thấp. Ngoài ra, Việt Nam vừa thắng thầu xuất 190.000 tấn gạo sang Philíppin và thị trường Malaixia cũng nhập 650.000 tấn gạo cấp trung, nhưng giao hàng từ tháng 2 đến cuối năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã kí được hợp đồng bán gạo với Inđônêxia nhưng đến tháng 7/2012 mới giao hàng. Với những đơn hàng được ký kết, gạo Việt Nam hiện cũng chiếm được 30% lượng gạo nhập khẩu của thị trường Hồng Kông, nhưng chủ yếu là gạo chất lượng cao”.
Theo VFA, trong 6 tháng đầu năm, lượng gạo XK có thể đạt mức 4,6 triệu tấn. Trong đó, lượng tồn kho của Việt Nam năm 2011 chuyển sang năm 2012 là 1,1 triệu tấn gạo, cân đối thêm vụ đông xuân 2012 là khoảng 3,5 triệu tấn gạo.
... Nông dân vui
Nhờ XK gạo đã có tín hiệu khởi sắc, người nông dân đang thu hoạch vụ đông xuân cũng “thở phào” khi giá lúa bắt đầu nhích dần lên và thương lái cũng thu mua tích cực hơn so với đầu vụ thu hoạch. Theo thống kê của VFA, hiện giá lúa đông xuân tại ĐBSCL đã tăng thêm từ 300 – 400 đồng/kg, lên mức bình quân 5.300 – 5.400 đồng/kg và nông dân vẫn đảm bảo được mức lãi 30%.
Theo Phòng Nông nghiệp các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười của Long An, hiện nay bà con nông dân đã thu hoạch được hơn 36.000 ha lúa đông xuân, năng suất đạt từ 7,5 - 9 tấn/ha, có nơi đạt hơn 10 tấn/ha, tăng từ 0,7 - 1,2 tấn/ha so với vụ đông xuân năm trước. Tại 2 huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh là Tân Hưng và Vĩnh Hưng, hàng ngày có từ 100 - 150 chiếc ghe, tàu có trọng tải từ 50 - 100 tấn vào tận đồng ruộng tổ chức thu mua, giúp nông dân thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện, các giống lúa thơm như Jasmine, IR 3535, VD 20 và các giống lúa chất lượng cao xuất khẩu như OM 4900, MTL 110 đang được thương lái thu mua với giá từ 5.800 - 6.100 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 30 - 40%.
Trong khi đó tại Bạc Liêu, nông dân cũng đã thu hoạch được khoảng 34.000 ha lúa vụ đông xuân (hơn 70% diện tích) với năng suất đạt từ 5 - 7,5 tấn/ha. Nông dân Bạc Liêu hiện cũng đang phấn khởi trở lại khi giá lúa nhích lên từng ngày kể từ khi có chủ trương mua gạo tạm trữ. Hiện, giá lúa đang được thương lái mua dao động từ 4.700 đến 7.500 đồng/kg (tùy loại lúa thuơng phẩm), tăng từ 200 đến 300 đồng/kg so với cùng kỳ. Theo tính toán của người dân, với mức giá hiện nay, nhiều nông dân sẽ có lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha.
Ông Trương Thanh Phong cho biết, năm nay, gạo XK của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ, Miama và một số nước khác. Do đó, VFA đã lên phương án tiêu thụ trên cơ sở hình thành 3 khung giá. Khung thứ nhất là “giá thấp” thì khó cạnh tranh với Ấn Độ, Miama và hiện Miama đang cạnh tranh lúa gạo cấp thấp với Việt Nam. Khung thứ hai là “giá cao” thì bị ảnh hưởng bởi Thái Lan, bới theo khảo sát của Hiệp hội, nước này còn 6 triệu tấn gạo tồn kho và dự kiến đến tháng 7/2012 sẽ dự trữ thêm 4 triệu tấn nên cũng rất khó cạnh tranh. Khung giá thứ 3 là “giá trung bình”, Việt Nam có thể cạnh tranh được. Do vậy, VFA cũng khuyến cáo người dân không nên trồng lúa cho gạo cấp thấp vì sẽ khó bán, mà nên tập trung trồng lúa chất lượng cao vào vụ hè thu tới.
M.Thuyết