Từ sau quý II/2022 đến cuối năm, do lạm phát tăng ở các nước châu Âu, Mỹ, ngành cá tra cũng bị ảnh hưởng, dù là thực phẩm thiết yếu, nên xuất khẩu có sự tăng trưởng chậm lại so với đầu năm, nhưng vẫn được dự báo một năm đầy khả quan.
Tăng chậm nhưng đều ở nhiều thị trường
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng qua đạt 2,3 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kì năm 2021; trong đó, các thị trường được ghi nhận tăng đều là châu Âu, Trung Quốc và thị trường Mỹ.
Tại thị trường châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian qua, tăng 103% đạt 190 triệu USD. Sự hồi phục mạnh mẽ của châu Âu đã khiến cho tỷ trọng của thị trường tăng từ 7% lên 8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam. Những thị trường trọng điểm trong khối EU là Hà Lan tăng 72%, Đức tăng 182% và Bỉ tăng 94%.
Trong khi đó, một thị trường quan trọng tại châu Âu là Anh quốc, dù giá trị nhập khẩu cá tra vẫn tăng 32% đạt hơn 60 triệu USD, nhưng tỷ trọng lại giảm so với năm trước. Nằm trong nhóm các nước G7, Anh là thị trường phục hồi chậm nhất sau ứng phó dịch bệnh COVID, lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và khủng hoảng năng lượng, thực phẩm do chiến sự Nga - Ukraine nên nhu cầu thuỷ sản, kể cả với sản phẩm giá trung bình hoặc giá thấp cũng bị sụt giảm.
Tại khối thị trường Hiệp định CPTPP vẫn chiếm 13% trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam với hơn 310 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Mexico và Canada là hai thị trường nhập khẩu cá tra nhiều nhất với doanh số lần lượt hơn 101 triệu USD và 55 triệu USD trong 11 tháng qua. Hai thị trường này đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng 67% và 88% so với cùng kỳ.
Là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn thứ 2, Mỹ chiếm gần 23% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam, đạt hơn 540 triệu USD. Đại diện VASEP nhận xét, tăng trưởng 70% của thị trường này là kết quả đột phá giai đoạn nửa đầu năm 2022, khi kinh tế nước Mỹ chưa rơi vào lạm phát. Mặc dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giữ mức tăng dù chậm, bởi người tiêu dùng Mỹ phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu để ứng phó lạm phát.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 11 tháng qua, thị trường này nhập khẩu ước đạt 127.000 tấn cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam, giá trị hơn 540 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, so với các sản phẩm thuỷ sản khác nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, cá tra có giá tăng mạnh nhất.
Dù tăng trưởng chậm, nhưng ngành cá tra được dự báo sẽ đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD trong năm 2022.
Vẫn còn nhiều dư địa
Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, mặc dù thị trường thế giới có nhiều biến động, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu để phù hợp với nguồn thu nhập trong giai đoạn khó khăn, nhưng nhu cầu thủy sản vẫn được ưu tiên hơn nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep Pro cho biết, thị trường châu Âu vẫn còn rất nhiều dư địa cho cá tra Việt Nam. Điển hình tại thị trường Anh, dù thị trường Anh rơi vào khủng hoảng, nhưng thị trường này vẫn nhập khẩu gần 300 triệu USD thuỷ sản từ Việt Nam, cá tra chiếm 20% giá trị nhập khẩu này, tăng 3% so với cùng kì năm 2021. Trong số đó, cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu loài này, đạt trên 53 triệu USD, cá tra nguyên con đông lạnh chiếm gần 4% và cá tra chế biến chiếm trên 6%.
Lạm phát tại Anh liên tục tăng nóng kể từ đầu năm nay và tăng tới mức cao nhất trong 40 năm (10,1%) trong bối cảnh các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trước thực tế đó, người tiêu dùng Anh sẽ nghiêng về các sản phẩm thực phẩm giá rẻ hơn; trong đó, các sản phẩm cá thịt trắng vẫn được ưa chuộng hơn cả.
So với các loài cá thị trắng, thì cá tra phile đông lạnh (mã HS 030462) nhập khẩu vào Anh có giá trung bình tăng ít hơn, tăng từ 6 - 19%. Việt Nam là nguồn cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 5 trên thị trường Anh, chiếm khoảng 7,5% thị phần. Anh nhập khẩu chủ yếu các loại cá tuyết từ Na Uy, Iceland, Quần đảo Faroe và từ Trung Quốc – xưởng gia công, chế biến cá thịt trắng cho các nước Châu Âu, bà Lê Hằng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, nhà nhập khẩu cá tra Việt Nam từ châu Âu Nomad Foods cũng đã có kế hoạch tăng nguồn nhập khẩu cá tra đạt chứng chỉ ASC (chứng nhận nuôi thủy sản có trách nhiệm) trong năm 2023. và chứng nhận MSC (đánh bắt thủy sản bền vững). Theo kế hoạch này, các doanh nghiệp Vĩnh Hoàn và Gò Đàng đã tiến hành kia hợp đồng cung ứng cá tra cho thị trường châu Âu trong năm 2023.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, Vĩnh Hoàn tự hào là một phần trong chuỗi cung ứng cá tra có nguồn gốc bền vững được chứng nhận ASC của Nomad Foods vào các thị trường châu Âu. Sau nỗ lực trong nhiều năm, Vĩnh Hoàn cố gắng để phát triển nguồn protein lành mạnh này với chất lượng cao nhất, đảm bảo nó được chế biến có trách nhiệm và từ các trang trại tổng hợp và được công nhận.
Mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, lạm phát vẫn còn diễn biến mạnh mẽ, nhưng những dư địa thị trường đã mở ra tia hi vọng tiếp tục phát triển trong khó khăn của ngành cá tra. Trong những dư địa thị trường này còn có thị trường Trung Quốc, thị trường top đầu tiêu thụ cá tra nguyên liệu Việt Nam.
Theo đánh giá của VASEP, trong thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc luôn luôn duy trì tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Những doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường này gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chiếm trên 16% kim ngạch cá tra sang Trung Quốc, Công ty TNHH Biển Đông chiếm gần 6%, các công ty TNHH Chế biến Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang, Công ty cổ phần Nam Việt và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đều chiếm 5%...