Giá cá tra nguyên liệu và giá cá tra giống trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện sụt giảm so với những tháng vừa qua (khoảng tháng 2 - tháng 5). Trong khi giá cá tra nguyên liệu giảm khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg thì giá cá tra giống giảm hơn 50% so với thời điểm tháng 3/2022 (có thời điểm gần 60.000 đồng/kg).
Hiện giá cá tra nguyên liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ dao động từ 27.000 - 28.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi cá cho biết không lãi hoặc chỉ lãi khoảng từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Giá cá giống giảm nhưng giá thức ăn liên tục “đội giá” cộng với giá xăng dầu và các chi phí khác tăng cao nên chi phí nuôi cá thương phẩm cũng vì thế mà không giảm. Đó là những nguyên nhân mà người nuôi cho rằng dù giá cá tra nguyên liệu hiện nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 5.000 - 6.000 đồng/kg nhưng người nuôi cá vẫn không có lãi.
Mong chờ dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, giá cá sẽ tiếp tục tăng để kiếm đồng lãi bù lại hai năm thua lỗ do dịch bệnh làm “đóng băng” thị trường cá tra nhưng anh Lý Văn Chín, quận Ô Môn cho biết khoảng từ 160 - 170 tấn đã ký hợp đồng bán cho công ty với giá bán 27.000 đồng/kg (cá đạt kích cỡ 700 - 750 gram/con)… chỉ hòa vốn.
“Thời điểm tôi mua cá giống khoảng 34.000 đồng/kg, giá thức ăn lúc đó khoảng 12.000 đồng/kg. Sau mấy tháng nuôi giá thức ăn liên tục tăng, đến nay gần 14.000 đồng/kg. Tính tiền thức ăn, cá giống, thuốc…thì mỗi kg cá tốn từ từ 26.500 - 27.000 đồng chi phí nuôi. Nếu bán được giá từ 30.000 đồng/kg trở lên thì mới có lãi”, anh Chín cho biết.
Mặc dù vậy nhưng anh Chín vẫn phải bán vì để cá lớn giá sẽ sụt giảm. Sau khi bán lứa cá tra này xong, anh Chín sẽ cho ao nghỉ để chờ giá thức ăn như thế nào mới quyết định nuôi lại.
Đa số cá hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ chỉ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến khi cá đạt kích cỡ thương phẩm nên giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm. Theo các hộ nuôi cá ở quận Ô Môn, hiện nay đầu ra cá tra không phải khó khăn như thời điểm dịch bệnh nhưng người bán phải tìm được doanh nghiệp trả tiền mặt để bán nên thành ra lại khó.
“Vì mọi chi phí nuôi cá đều cao nên người nuôi giờ tìm doanh nghiệp trả tiền mặt mới bán cá, chứ không cho nợ như những lần trước. Vì thế, việc tìm kiếm doanh nghiệp để bán cá cũng gặp khó, dễ bị ép giá”, ông Lý Văn Lung, quận Ô Môn cho biết.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt 621 ha, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cá tra trên 99.000 tấn; trong đó, địa phương có diện tích nuôi cá tra nhiều là quận Thốt Nốt và Ô Môn.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, với giá cá nguyên liệu hiện nay thì người nuôi cá thương phẩm có liên kết với doanh nghiệp mới có lợi nhuận, còn những người nuôi tự do sẽ không có lãi vì thời điểm bắt đầu thả nuôi giá cá giống tăng cao, trong khi giá bán hiện nay đã sụt giảm.
Ông Yên cũng cho rằng, hiện nay giá cá tra nguyên liệu giảm không phải do ảnh hưởng nguồn cung bởi không sản lượng cá nuôi thương phẩm ở Cần Thơ trong giai đoạn xuất không cao hơn so với mọi năm, nhưng có thể do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu.
“Hiện tại, vấn đề khủng hoảng chung của toàn cầu, vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng nên chi phí đầu vào nuôi cá cũng tăng trong khi giá bán giảm. Trước biến động giá cả của thị trường cá tra hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn khuyến nghị hộ nuôi cá tra thương phẩm nên liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để có lãi ổn định”, ông Yên cho biết.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng khuyến cáo người nuôi cá tra vẫn phải chú ý chất lượng con giống và chất lượng thức ăn kết hợp những giải pháp kỹ thuật nuôi như cho ăn gián đoạn (cho ăn 3 - 4 ngày, nghỉ 1 ngày sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá) để giảm chi phí đầu vào.