Theo đó, vào thời điểm vụ lúa sắp thu hoạch ở Kiên Giang đã xuất hiện nhóm "cò lúa" đứng ra làm trung gian thu mua. Trước khi thu hoạch, nhóm này trực tiếp gặp nông dân với danh nghĩa được giao làm đầu mối cắt hoặc bán lúa. Sau đó xem ruộng và đưa ra giá mua.
Nếu ai đồng ý, họ đặt tiền cọc và khi lúa chín sẽ cho máy vào thu hoạch. Tất cả những thỏa thuận này đều chỉ là nói miệng, không có giấy tờ hay hợp đồng ràng buộc. Bởi vậy, khi có sự cố xảy ra như lúa bị đổ ngã, giá sụt giảm thì các “cò” này sẽ gây khó dễ hoặc ép giá lúa xuống thấp. Đó là chưa kể những "cò lúa" này tự ấn định thời gian thu hoạch và thường kéo dài ngày, thậm chí cả tuần khiến lúa bị hao hụt rất nhiều.
Ông Lê Văn Nam ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng cho hay, gia đình ông có 3 ha lúa, trước thời gian thu hoạch khoảng 10 ngày đã có người đến xem lúa và ấn định ngày thu hoạch. Cách làm này cũng có lợi vì gia đình không phải tìm người cắt, mua lúa. Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận, đến ngày cắt lúa thì họ bắt đầu ép giá. Lúc đó, không còn cách nào tốt hơn là phải bán cho họ bởi không một ai đến mua lúa của gia đình mình nữa.
Ông Nam bức xúc: “Khi họ đến xem lúa thì nói cái gì nghe cũng tốt, cũng hay nên mình đồng ý ngay. Thế nhưng, khi lúa đã chín rộ thì họ không chịu cho máy xuống cắt lúa và lấy lý do máy bận, kéo dài thêm 4 - 5 ngày nữa để lúa chín khô mới cắt. Năng suất lúa bị giảm đã thiệt thòi, họ lại quay sang chê hạt lúa không tốt để ép nông dân phải hạ giá bán".
Còn theo ông Phan Văn Khanh ở xã Hòa Thuận cùng huyện Giồng Riềng, dù đã nhận tiền đặt cọc của cò lúa nhưng không hề yên tâm chút nào. Đến ngày thu hoạch, lúa bị đổ ngã họ ép hạ giá và không đưa máy vào cắt. Đi tìm người khác cắt lúa rất khó khăn, thậm chí không ai dám đến cắt hoặc mua vì bị "cò lúa" đe dọa.
Lúa chín rộ cả cánh đồng nhưng vẫn chưa được thu hoạch khiến ai ai cũng xót xa. Trước tình cảnh này, người dân chỉ biết mong chờ cơ quan chức năng sớm vào cuộc và có biện pháp xử lý, giúp nông dân yên tâm lao động, sản xuất.
Thời điểm này, Kiên Giang đang trong kỳ thu hoạch lúa, hoạt động của "cò lúa" diễn ra ngày phức tạp. Một số huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền cho bà con nông dân để tránh bị các đối tượng này lừa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, ông Võ Tùng thừa nhận, tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Nhóm này trực tiếp đến ruộng đặt cọc một giá nhưng thực tế lại mua giá khác và máy cắt lúa cũng do họ quản lý.
Nếu người dân nào dám “bẻ kèo” thì chúng không cho máy đến ruộng cắt lúa đó khiến nông dân thiệt hại nặng. Huyện Giồng Riềng đã yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn, khi phát hiện hoặc nhận tin báo từ người dân sẽ chuyển về huyện để có biện pháp xử lý đối tượng này; ổn định lại giá lúa trên địa bàn, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất.
Tỉnh Kiên Giang hiện đang khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, cùng nhau hình thành các dịch vụ phục vụ sản xuất để chủ động trong các khâu từ bơm tát, chăm sóc, thu hoạch; mở rộng mối liên kết sản xuất “bốn nhà”. Có như vậy, tình trạng "cò lúa", "cò máy cắt" sẽ bị loại bỏ.