Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, chỉ trong có mấy ngày đầu tháng 1 năm 2025, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện và xử lý hàng chục tấn thực phẩm "bẩn". Để đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe của nhân dân Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Cụ thể, giữa tháng 1 này, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 - Cục Quản lý Thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại địa chỉ ngõ 21 Tựu Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội do bà P.T.H sinh năm 1992 làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh gồm nầm lợn, tràng trứng, tràng lợn, kê gà, mề gà,... Qua kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như chất lượng kiểm định.
Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, hoá đơn chứng từ số hàng hoá trên. Chủ cơ sở khai nhận thu mua số hàng hoá trên trôi nổi trên thị trường và bán lại cho các khách hàng có nhu cầu tại Hà Nội và địa bàn một số tỉnh lân cận. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an huyện Thạch Thất, Công an xã Kim Quan tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm đông lạnh Minh Quý (tại thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) do ông Cấn Văn Trường làm chủ cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các hành vi vi phạm như bảo quản kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; sơ chế, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với hoạt động sơ chế đóng gói thực phẩm; khu vực sản xuất có động vật, côn trùng... Tổng khối lượng hàng hóa vi phạm khoảng 3,27 tấn (gồm: nầm, tràng, chân gà, thịt, đuôi trâu bò các loại...) với trị giá hơn 162,7 triệu đồng.
Trước đó, lực lượng chức năng của Hà Nội qua kiểm tra, đoàn phát hiện và thu giữ 14 tấn hàng hóa là thực phẩm gồm xúc xích các loại, thịt bò khô, bánh kẹo... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trên đây chỉ là một số vụ việc cụ thể mà lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý. Theo các chuyên gia nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng thực phẩm "bẩn" trôi nổi trên thị trường là do việc xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện và xã, phường, nhất là tuyến xã chưa kiên quyết.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Trưởng đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội, an toàn thực phẩm là vấn đề được Thành uỷ - UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán ẤT Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025. Trên cơ sở Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND để tổ chức triển khai.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hoa đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các quận, huyện cần tiếp tục làm tốt thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh tập huấn kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh đối với vấn đề an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục duy trì hiệu quả kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để tạo sức răn đe.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng mong muốn cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần nhận thức đầy đủ về mối nguy an toàn thực phẩm đối với sức khoẻ người dân để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, không chỉ trong đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân hàng năm, mà trong cả năm.