Tại Hải Dương, gia đình chị Ngô Thị Dung, ở thôn Hòa Bình, xã Cẩm Đoài (huyện Cẩm Giàng) cho biết, năm 2016 đã mở rộng quy mô, xây mới chuồng trại để tăng năng suất lên 100 con lợn thương phẩm. Tuy vậy, chị Dung ngán ngẩm nói: “Hiện cả chuồng chỉ có 25 con lợn thịt. Không dám nuôi thêm vì giá bán ra quá thấp. Có lúc, giá thịt lợn hơi chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, thậm chí rẻ như cho cũng không có người mua. Mỗi con lợn xuất chuồng khoảng 1 tạ lỗ gần 2 triệu đồng”.
Ông Trương Quốc Hồi, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đoài cho biết: “Tính tổng đàn lợn của toàn xã phải đến hàng nghìn con, trung bình lỗ 1 triệu đồng/con. Các nhà đang lo giải quyết số tồn kho trong Tết, chấp nhận giá rẻ vẫn phải bán”.
Tại Đồng Nai, nơi được mệnh danh “thủ phủ” chăn nuôi lợn tại miền Nam, chưa có năm nào giá lợn hơi lại sụt giảm mạnh như thời gian trước và sau Tết Nguyên đán năm nay. Thông thường, người chăn nuôi dành nguồn hàng để bán ra trong dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay do giá lợn hơi xuống quá thấp, có thời điểm chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ 1 - 1,5 triệu đồng/1 con lợn xuất chuồng.
Mặc dù, giá lợn hơi giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá gấp ba lần thịt lợn hơi. “Thịt lợn đến được với người tiêu dùng phải qua ít nhất ba khâu trung gian: thương lái, giết mổ và các bà bán thịt ngoài chợ. Thực tế, thương lái đang điều khiển thị trường, khiến người tiêu dùng và người chăn nuôi đều chịu thiệt nặng nề. Lẽ ra, giá thịt phải giảm 15 - 20% như đà giảm của lợn hơi”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.
Không để phụ thuộc bất cứ thị trường nào
Để giải quyết bài toán dư thừa này, theo các chuyên gia, cần thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường để người chăn nuôi định hướng sản xuất, tổ chức nhiều hơn các hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian. Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần thống kê chính xác số lợn đang được nuôi và khuyến cáo người chăn nuôi, tránh tình trạng tăng đàn dẫn tới cung vượt xa cầu.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để nâng sản lượng thịt lợn của cả nước lên 10 triệu tấn/năm không khó. Nhưng trong bối cảnh chưa mở được thị trường xuất khẩu thì phải kìm hãm tốc độ tăng đàn, quy hoạch lại việc nuôi lợn tại các địa phương.
Bên cạnh đó, “Cần tổ chức lại hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối theo chuỗi, hạn chế các khâu trung gian để giảm giá thành, đồng thời giúp các hộ chăn nuôi không bị tư thương ép giá”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.
Còn theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong mô hình chăn nuôi liên kết. Ví dụ, Công ty cổ phần đang liên kết rất chặt với các hộ chăn nuôi. Sản phẩm thịt từ các hộ được công ty bao tiêu, chuyển về nhà máy chế biến thành: thịt được đóng gói, xúc xích, thịt hộp... Cách làm này giúp người chăn nuôi bớt lo về đầu ra và giá bán cũng ổn định hơn.
Về việc xuất khẩu thịt lợn, trên 90% sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn đều được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Chỉ khoảng 10% sản phẩm thịt lợn được xuất khẩu. Trong đó, chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lợn và thịt lợn Việt Nam vẫn chưa có trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Sự lệ thuộc vào thị trường này là do vấn đề thông tin chưa thực sự đầy đủ, thậm trí là gây bất lợi cho sản xuất trong nước.
Để không lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chiến lược dài hơi của Bộ là đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thịt lợn thông qua chế biến. Vì các sản phẩm chế biến sẽ rất thuận lợi để mở cửa thị trường, nhất là trong bối cảnh chất lượng và giá thành sản xuất lợn của Việt Nam đang có sức cạnh tranh tốt.
Để xúc tiến thu hút việc chế biến thịt lợn, tháng 3/2017, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Đại sứ Việt Nam tại EU để mời sang Việt Nam khoảng 10 - 15 doanh nghiệp hàng đầu về chế biến thực phẩm của Thụy Sỹ, một số nước EU để hợp tác với khoảng 10 doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam nhằm triển khai chế biến thực phẩm từ thịt lợn.