Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro. Đồng thời, đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ, thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các Hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần chọn hình thức hỗ trợ các chính sách phát triển thông qua doanh nghiệp, Hợp tác xã, coi điều kiện để các hộ chăn nuôi được thụ hưởng các chính sách phải tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi lợn "quá nóng" đang tạo nên sự mất cân đối cung - cầu, gây hệ lụy không nhỏ đối với lĩnh vực chăn nuôi. Đặc biệt, do suất đầu tư của chăn nuôi lợn rất cao, vòng đời dài (bình quân 20 - 30 triệu đồng/lợn nái ngoại, thời gian khai thác khoảng 3 năm).
Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo các địa phương chỉ đạo không tăng quy mô đàn bằng mọi giá ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng cao (trên 50.000 đồng/kg), mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường lợn của Việt Nam.
Hiện nay, giá thịt lợn hơi đang xuống rất thấp, có nơi xuống dưới 30.000 đồng/kg, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và hoàn toàn thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài.