Khổ vì đa cấp biến tướng
Anh D.T (Thanh Trì, Hà Nội) là một nạn nhân của bán hàng đa cấp. Cách đây 3 năm, khi còn là sinh viên một trường đại học lớn tại Hà Nội, nghe lời giới thiệu của bạn bè đi nghe về cách làm giàu nhanh chóng, anh đã đến dự hội thảo của công ty TNMU - một công ty BHĐC rất nhiều tai tiếng thời gian qua. Nghe lời giới thiệu như “rót mật vào tai” của các nhân viên công ty này, anh đã về nài nỉ gia đình mua bằng được một chiếc máy khử độc rau quả với giá 6 triệu đồng. Đây là điều kiện đầu tiên để một cá nhân được tham gia vào mạng lưới BHĐC này.
Khi nghe con trai về giới thiệu sản phẩm, bố anh D.T cảm thấy ngạc nhiên bởi con trai mình bình thường ít nói mà bỗng dưng nói năng lưu loát, lại còn đưa ra những triết lý về cuộc sống. Do đó, ông quyết định bỏ tiền ra mua cho con trai sản phẩm đó để con trai được tham gia vào mạng lưới BHĐC của công ty TNMU với mong muốn “biết đâu con trai mình thành công”.
Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý các mặt hàng được bán theo hình thức kinh doanh đa cấp. Ảnh: Thế Vinh - TTXVN |
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, anh D.T đã cảm thấy chán nản và bỏ cuộc giữa chừng bởi không thể bán các sản phẩm của công ty cho một ai. Chẳng hạn, một chiếc máy khử độc rau quả trên thị trường chỉ bán với giá 2 - 3 triệu đồng, trong khi chiếc máy của công ty TNMU xuất xứ Trung Quốc mà giá đắt gấp 2 - 3 lần.
“Tôi đã đến công ty để trả lại hàng và xin rút khỏi hệ thống bán hàng nhưng họ không trả lại tiền cho tôi. Tôi biết nhiều người đã sạt nghiệp vì trót tin vào đa cấp. Nhưng cũng có nhiều người khác vẫn lao đầu vào”, anh T tâm sự.
Những trường hợp như anh T không hiếm. Nhất là những sinh viên mới “chân ướt chân ráo” bước vào cổng trường đại học. Khát vọng làm giàu rất lớn, sự thiếu kĩ năng cuộc sống khiến các em dễ sa chân vào những mạng lưới BHĐC với thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Rất nhiều công ty BHĐC giới thiệu các nhân vật cốt cán của mình với lời quảng cáo những người này do quyết tâm tham gia nên đã lên hạng vàng, kim cương… ngồi không cũng có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/năm. Sau khi bị báo chí phanh phui về chiêu trò quảng cáo lừa thì những nhân vật này bỗng “lặn không sủi bọt”.
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động BHĐC là một hoạt động thương mại bình thường diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, nó đã biến tướng và hút một lượng lớn người tham gia. Thời gian đầu khi mới du nhập vào Việt Nam, hình thức bán hàng này đã không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc rất nhiều người dân thiếu hiểu biết bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp. Chế tài quản lý hệ thống BHĐC cũng còn nhiều bất cập nên đã tạo kẽ hở cho các công ty BHĐC lừa đảo người tham gia.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), thời gian qua, hoạt động BHĐC có nhiều biến tướng. Thực tế có những công ty có hành vi cố tình tuyên truyền làm sai lạc về bản chất của bán hàng đa cấp, hướng vào những lợi nhuận siêu khủng để thu hút một bộ phận rất lớn người dân tham gia. Vi phạm phổ biến và nghiêm trọng khác của các DN không bán hàng theo phương thức đa cấp là sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính gây ra những nguy cơ thất thoát và mất mát lớn tài sản của xã hội.
Ngăn chặn vi phạm trong bán hàng đa cấp
Theo thông tin mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến đầu tháng 11/2016, đã “xóa sổ” 25 công ty BHĐC. Trong đó, 14 công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; 11 DN bị tạm ngừng và chấm dứt hoạt động BHĐC. Như vậy hiện nay chỉ còn 42 DN BHĐC hoạt động, so với con số 67 DN của năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, số người tham gia BHĐC đang hoạt động là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015). Có thể thấy, chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, trong đó có Cục Quản lý cạnh tranh nên đã giúp nhiều người dân “sáng mắt” hơn, không còn lao đầu vào BHĐC như là một cách để làm giàu nhanh nhất.
Các cơ quan chức năng nhận định: Trước năm 2016, công tác quản lý hoạt động BHĐC đạt hiệu quả thấp là do các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động BHĐC chưa thể kiểm soát được các hình thức lách luật tinh vi, phức tạp; hoạt động BHĐC diễn ra trên cơ sở phương thức truyền miệng và không có địa điểm cố định nên công tác quản lý và phối hợp giữa cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương gặp khó khăn, thiếu chặt chẽ.
Trước tình hình này, năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC. Quá trình triển khai Chỉ thị này đã cơ bản kiểm soát được hoạt động BHĐC. Cụ thể, từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các công ty BHĐC, xử phạt 64 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 11 tỷ đồng. Còn lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng.
Còn theo số liệu báo cáo của địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp BHĐC. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC với 65 vi phạm với số tiền phạt là gần 4 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để siết chặt quản lý BHĐC, Bộ Công Thương sẽ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC để trình Chính phủ ban hành vào khoảng đầu năm 2017.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 42/2014/NĐ-CP chỉ giới hạn ở hoạt động BHĐC của các DN BHĐC, người tham gia BHĐC và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Để có cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng không sử dụng hàng hóa thời gian qua, dự thảo Nghị định sẽ quy định: Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Quy định cấm này áp dụng cho cả các đối tượng tổ chức kinh doanh BHĐC và các đối tượng tham gia vào hoạt động BHĐC.
Bên cạnh đó, bổ sung các quy định nhằm minh bạch hóa hoạt động BHĐC như: Yêu cầu DN xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động BHĐC của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. DN phải có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng. DN phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu DN mua lại hàng, trả lại tiền.
Liên quan đến công tác quản lý BHĐC tại địa phương, quy định mới sẽ theo hướng yêu cầu DN phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động BHĐC khi có xác nhận đăng ký BHĐC bằng văn bản của Sở Công Thương đó. Trường hợp không có trụ sở, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp phải chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện để chịu trách nhiệm đối với hoạt động BHĐC của mình và thay mặt DN làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.