Xe máy nội địa hóa 80%, ô tô đến bao giờ?

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ngành sản xuất xe máy đã gần như tự chủ được nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô còn khá thấp.

Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành sản xuất xe máy ở Việt Nam đạt trên 80%, trong khi ngành ô tô mới đạt 7 - 10% (Trường Hải đạt 15 - 18%, Toyota đạt 37%).

Công ty TNHH Công nghiệp MINDA Việt Nam, Khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cung ứng linh kiện và bộ phận tự động dành cho ô tô, xe máy của các nhà sản xuất lớn như Yamaha, Suzuki, Piaggio. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

"Tôi có nói chuyện với đại diện hãng xe máy Piaggio tại Vĩnh Phúc và được biết họ không cần các nhà cung ứng nước ngoài bởi các nhà cung ứng Việt Nam có thể đáp ứng được gần như toàn bộ. Đây là trường hợp điển hình rất đáng được quan tâm", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho hay.

Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ hưởng lợi trong chuỗi cung ứng của ngành sản xuất xe máy. Ông Mại dẫn trường hợp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT. Trong vòng 10 năm 1991 - 2001, Tập đoàn này đã hợp tác với một doanh nghiệp của Australia, trở thành nhà cung ứng và được hưởng lợi về: công nghệ, phương thức kinh doanh, nguồn nhân lực và phương thức quản lý.

"Có thể nói nếu không có sự hợp tác này thì VNPT không thể phát triển được như ngày nay", ông Mại cho hay.

Tuy nhiên, thực tế là tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp nội địa Việt Nam vẫn chưa được như kì vọng. Chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này tại Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Số liệu được đưa ra tại hội thảo "Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước", diễn ra sáng 15/12 tại Hà Nội.

GS Nguyễn Mại đề nghị, để tác động lan tỏa của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, doanh nghiệp Việt cần tự tin, chủ động tiếp cận doanh nghiệp FDI; đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực; tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích hợp; khuyến khích nhân rộng các mô hình thành công như của Samsung.

Còn ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) cho rằng, để nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa, cần hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, đồng thời kết nối chuyên gia nước ngoài hỗ trợ trực tiếp tại doanh nghiệp.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối các chuỗi cung ứng
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối các chuỗi cung ứng

Các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không những tạo công ăn việc làm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN