Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, dư địa để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường CPTPP còn rất lớn bởi có những mặt hàng mới chỉ chiếm khoảng 3 – 5% thị phần. Cùng đó, hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn cần đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei.
Theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chỉ rõ, hai thị trường Canada, Mexico kể từ khi thực thi CPTPP có một sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, kể cả trong thời kỳ COVID-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này luôn ở 2 con số.
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cùng với các FTA khác, CPTPP đã thật sự là đòn bẩy để thúc đẩy hàng hoá Việt Nam vươn ra thế giới. Đặc biệt, 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19, CPTPP đã trở thành điểm tựa, vực dậy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và mở cửa thị trường cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài.
Vì thế, việc xây dựng thành công thương hiệu chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp thực sự tiềm lực, hiểu biết về thị trường và có chiến lược bài bản. Bởi, nếu doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo tính ổn định cũng như thường xuyên nắm bắt được thị hiếu của thị trường. Từ đó mới giữ được khách hàng, thị trường và uy tín của thương hiệu với nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng quốc tế.
Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cho hay, ở Hoa Kỳ và Canada nếu như mọi người vào Amazon, mọi người sẽ thấy rất nhiều các thương hiệu trà nổi tiếng Davidson, Teeccino… đều là khách hàng của Vinasamex. Vì thế, công ty đã quyết định xây dựng thêm hai thương hiệu nhỏ là Spice fest và Cinna kitchen với mục tiêu riêng.
Với Spicefest, Vinasamex mong muốn mang tất cả những gia vị của Việt Nam đến từng căn bếp của người Hoa Kỳ để khi sử dụng những gia vị này, người ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Giống như trong nhà đang có lễ hội (Spice festival là lễ hội gia vị). Trong quá trình từng bước định vị và phát triển thương hiệu như vậy, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn để đưa được sản phẩm vào các kệ siêu thị hay đưa lên sàn Amazon.
Xung quanh vấn đề dù đã xuất khẩu nhiều nhưng việc xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường CPTPP chưa đạt như kỳ vọng, các chuyên gia thương mại cho rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến việc xuất khẩu được bao nhiêu và kim ngạch xuất khẩu như thế nào.
Hơn nữa, việc sản xuất, chế biến mới chỉ tập trung vào xuất sản phẩm hoặc nguyên liệu thô, sau đó sản phẩm được đóng gói và xuất khẩu dưới tên của một thương hiệu khác. Điều này dẫn đến phần lớn giá trị gia tăng của mà sản phẩm giữ lại tương đối thấp. Thực tế này đặt ra bài toán phải xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hoá được cung ứng từ thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự nỗ lực của chúng ta ở không chỉ một doanh nghiệp duy nhất mà của cả chuỗi giá trị, cả hệ sinh thái mà doanh nghiệp đó điều phối. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực rất khác nhau của nhiều tác nhân trong 1 chuỗi giá trị bởi nếu thành công trong xây dựng thương hiệu, giá trị hàng hoá sẽ có thể tăng gấp đôi, gấp 3.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trong đó có khối thị trường CPTPP. Trong khối thị trường này, có các thị trường như Australia, Nhận Bản, New Zealand,… là những nước có nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi Việt Nam lại có lợi thế về sản xuất. Điều này không có nghĩa Việt Nam chỉ có lợi thế trong khối thị trường CPTPP mà Việt Nam đang có lợi thế cung cấp trong ngành hồ tiêu trên toàn cầu.
Nhằm hướng tới xuất khẩu bền vững, Hiệp hội khuyến khích hội viên trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng tiếp tục đầu tư công nghệ để đẩy mạnh chế biến sâu.
Ngoài ra, ể xây dựng được thương hiệu phải bắt buộc nhà xuất khẩu, nhà chế biến gắn trực tiếp với vùng nguyên liệu để làm việc trực tiếp với nông dân, từ đó, mới quản lý được sản xuất và đảm bảo yêu cầu về chất lượng gắn liền với yếu tố bền vững, truy xuất nguồn gốc.
Bước tiếp theo đó là doanh nghiệp này mạnh dạn, xem xét đầu tư thương hiệu. Đây là xu hướng tất yếu và bài toán thương hiệu sẽ phải gắn liền với việc chủ động nguồn hàng. Vì vậy, không có cách gì khác phải bắt tay với đối tác bền vững trong chuỗi cung cấp khi liên kết với nhà sản xuất, xuất khẩu để đưa hàng ra thị trường nước ngoài.
Về phía Bộ Công Thương, bà Trịnh Huyền Mai- Phó trưởng Phòng Xúc tiến thương mại- Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan vẫn kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu theo ba cấp độ quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
Mặt khác, tăng cường hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được các chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành. Qua đó quảng bá và phát triển, bảo vệ các thương hiệu của mình ra thị trường thế giới.
Cuối cùng, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và có khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động xúc tiến thương mại dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với từng mặt hàng, từng thị trường và chung tay xây dựng thương hiệu.