Từ đó đến nay, HOSE luôn là điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển của thị trường vốn. Thông qua HOSE, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã gọi vốn thành công, trở thành những doanh nghiệp có vốn hóa tỷ đô, góp phần nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.
Điểm mặt những doanh nghiệp tỷ đô
Tháng 6/2009, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức niêm yết giao dịch cổ phiếu tại HOSE với mã chứng khoán VCB. Giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên là 60.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ hơn 10 năm lên sàn, cổ phiếu VCB trở thành một trong những cái tên được săn đón nhiều nhất của giới đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/10, giá cổ phiếu VCB giao dịch ở mức 88.200 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của Vietcombank lên 327.123 tỷ đồng, tương ứng trên 14 tỷ USD. Đây cũng là doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và chiếm tỷ trọng 9,88% tổng vốn hóa tại HOSE.
Nói đến sự “biến hóa” của các công ty niêm yết, phải kể đến Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tháng 1/2006, Vinamilk chính thức được niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện cổ phần hóa, với giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên là 53.000 đồng/cổ phiếu.
Từ một doanh nghiệp nhà nước có số vốn 1.590 tỷ đồng, trải qua 11 lần điều chỉnh, đến nay vốn điều lệ của Vinamilk đã lên tới 17.417 tỷ đồng, tăng 11 lần so với thời điểm niêm yết ban đầu. Trong năm 2020, Vinamilk đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên gần 1 tỷ USD và mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như sản xuất đường, dịch vụ phục vụ đồ uống, buôn bán thực phẩm…
Trong nhiều năm liên tiếp, Vinamilk được Forbes đánh giá là Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Thành tích này thể hiện nỗ lực của Vinamilk trong việc duy trì mức tăng trưởng doanh thu tốt hàng năm và các hoạt động đầu tư vào các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu và cập nhật các công nghệ sản xuất nhằm đem lại các dòng sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ cho cộng đồng và nhu cầu của thị trường.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/10, cổ phiếu VNM giao dịch ở mức 107.400 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của Vinamilk lên 187.024 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên HOSE.
Ngoài Vietcombank, Vinamilk, nhóm doanh nghiệp có vốn hóa tỷ đô trên sàn HOSE còn “gọi tên” Tập đoàn Vingoup (mã VIC) với mức vốn hóa 13,8 tỷ USD; Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) với trên 11 tỷ USD. Tiếp đó Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB)…
Thời gian qua, nhóm cổ phiếu này luôn dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch, thanh khoản, sự săn đón của giới đầu tư…; đồng thời, dẫn dắt, định hướng tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ở thời điểm ban đầu khi thị trường mới thiết lập, khó có thể hình dung Việt Nam có doanh nghiệp tỷ đô. Thế nhưng, đến cuối năm 2019 đã có tới 23 doanh nghiệp tỷ đô tập trung trên sàn HOSE. Sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng là điểm thăng hoa cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển.
Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ưu thế thị trường chứng khoán để huy động vốn và phát triển; đồng thời, hình thành được các doanh nghiệp hàng đầu có sức ảnh hưởng rất lớn trong nền kinh tế - ông Dũng nói.
Theo thống kê của HOSE, tính đến ngày 30/6/2020, trên HOSE có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP.
Hiện 3 ngành có tỷ trọng cao nhất trên HOSE bao gồm tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu, chiếm hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Có 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của HOSE trong việc thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của các công ty lớn của nền kinh tế.
Dẫn vốn cho doanh nghiệp
Theo ông Lê Hải Trà - Phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp đã huy động được một lượng vốn đáng kể để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cho dự án mới, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Nếu như giai đoạn năm 2000-2004, huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hầu như không đáng kể thì giai đoạn từ năm 2005 đến nay, hoạt động này khởi sắc hơn rất nhiều. Tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ thời điểm thành lập HOSE đạt hơn 295.000 tỷ đồng, với 834 đợt phát hành; trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế năm 2010-2015 mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn năm 2004-2009.
Cũng theo ông Trà, hơn 80% công ty niêm yết trên HOSE đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong số đó, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ cao như Tập đoàn Vingroup - tăng 43 lần, Ngân hàng TMCP Ngoại thương 33 lần, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh 21 lần, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam 11 lần…
Nguồn vốn huy động qua thị trường chứng khoán giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. HOSE trở thành kênh tiếp cận vốn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp niêm yết, giúp giảm áp lực cho kênh tín dụng ngân hàng.
Theo Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, HOSE chịu trách nhiệm với thị trường giao dịch cổ phiếu. Còn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chịu trách nhiệm tổ chức thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh. Do vậy, giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE được dự báo sẽ trở nên sôi động hơn, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn trong thời gian tới.
Trong định hướng phát triển của HOSE giai đoạn năm 2020-2025 nêu rõ, sẽ tập trung xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; đồng thời, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, góp phần tăng quy mô thị trường cổ phiếu lên 120% GDP vào năm 2025.
HOSE cũng sẽ chú trọng phát triển bền vững và nâng cao minh bạch, chất lượng công ty niêm yết, hướng đến chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6…
Bài 2: Tạo động lực "kéo” ngân sách cho cả nước