Xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình - Bài 1: Nhiều khó khăn

Dù có lợi thế nhưng theo nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý, sản xuất lúa gạo và phát triển thị trường lúa gạo tại Thái Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thu hoạch lúa vụ Xuân 2021. Ảnh tư liệu: Thế Duyệt/TTXVN

Là vùng đất phù sa được bồi đắp bởi sông Hồng và sông Thái Bình, Thái Bình có nhiều thế mạnh sản xuất lúa gạo và là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất lúa của đồng bằng sông Hồng. Mặc dù vậy, đến nay thương hiệu gạo Thái Bình vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường. Đây cũng là bài toán trăn trở nhiều năm qua của địa phương này nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển ngành hàng lúa gạo và gia tăng giá trị cây trồng chủ lực của tỉnh.

Bài 1: Khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ 

Với sản lượng duy trì hiện nay khoảng 1 triệu tấn/năm, sản xuất lúa gạo của Thái Bình đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích, hiện việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của tỉnh Thái Bình hiện vẫn còn nhiều khó khăn, cần sớm được khắc phục.

Nhiều tiềm năng

Nếu như năm 1966 Thái Bình ghi dấu ấn với tên gọi "quê hương năm tấn" khi là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt năng suất lúa 5 tấn/ha/năm, thì nay trên mỗi đơn vị diện tích người nông dân Thái Bình có thể sản xuất hiệu quả gấp hơn 2,5 lần và nằm trong nhóm các tỉnh có năng suất cao của cả nước (bình quân đạt 13 tấn/ha/năm), sản lượng đạt 1 triệu tấn/năm. Tổng diện tích gieo cấy hiện duy trì khoảng 155.000 ha/năm, đứng thứ hai trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, với thế mạnh trồng lúa, Thái Bình là địa phương đi đầu trong việc cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều quy trình được áp dụng hiệu quả như "ba giảm, ba tăng", "một phải năm giảm" và canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được áp dụng rộng rãi. 

Hiện tỉnh có 100% diện tích trồng lúa được cơ giới hóa khâu làm đất, gần 20% diện tích được cấy bằng máy và gần 100% diện tích thu hoạch bằng máy gặt; khâu sấy sản phẩm đã được quan tâm và bắt đầu chuyển giao ở nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch...

Cơ cấu giống lúa gồm giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 40% (giống Đài thơm 8, Bắc thơm 7, japonica, T10…) với sản lượng khoảng 350.000 tấn, đáp ứng thị trường cao cấp trong nước và lúa Japonica xuất khẩu sang Úc, Mỹ, châu Âu; lúa năng suất cao và chất lượng khá với sản lượng khoảng 550.000 tấn (BC15, TBR225, Thiên ưu 8…) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận dân cư, bếp ăn đông người và các thị trường Đông Bắc Á, châu Phi; các giống lúa đặc sản địa phương như nếp Tam Xuân, lúa Hom râu (huyện Quỳnh Phụ), nếp Tây Sơn (huyện Kiến Xương)…với khoảng 1.000 ha, đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại gạo đặc sản địa phương, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Thái Bình còn có lúa canh tác xen canh khai thác rươi với khoảng trên 1.000 ha diện tích, cho sản lượng trên 5.000 tấn/năm; lúa phục vụ cho chế biến khoảng 5.000 ha diện tích, sản lượng khoảng 65.000 tấn/năm, đáp ứng một phần nhu cầu gạo chế biến của địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, hiện toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát lúa gạo; trong đó 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình, 20 công ty, 4 hợp tác xã quy mô vừa và lớn áp dụng dây chuyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát. Tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn/năm. Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng, phát triển được trên 35 nhãn hiệu như: Gạo làng Giắng, gạo nếp Keo, gạo chợ Gốc, A Sào, Niêu vàng, Gạo dinh dưỡng lứt tím, gạo Tám thơm Tiền Hải… Một số sản phẩm gạo được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đang đề nghị xếp hạng 4 sao.

Do quy hoạch mở rộng khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sử dụng cho mục đích trồng hàng năm khác và một số diện tích bỏ hoang không canh tác, những năm gần đây diện tích đất lúa của tỉnh Thái Bình có xu hướng giảm. Năm 2022 diện tích lúa cả năm đạt 151.600 ha, giảm 1.600 ha (giảm 1%) so với năm 2021; trong đó vụ Đông xuân gieo cấy đạt 75.621 ha, giảm 911 ha, vụ mùa gieo cấy đạt 76.006 ha, giảm 658 ha.

Mặc dù diện tích gieo cấy giảm song năng suất lúa cao hơn năm trước, do đó sản lượng lương thực vẫn đảm bảo (đạt 130,9 tạ/ha), đạt giá trị trên 5.800 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% vào cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Điều đó cho thấy sản xuất lúa gạo tại Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển và là ngành sản xuất quan trọng của kinh tế nông nghiệp địa phương.

Hiệu quả từ sản xuất lúa còn thấp

Dù có lợi thế nhưng theo nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý, sản xuất lúa gạo và phát triển thị trường lúa gạo tại Thái Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy cho rằng, sản xuất lúa gạo của địa phương vẫn đứng trước nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh; hiệu quả kinh tế từ khu vực sản xuất lúa còn thấp, thu nhập từ sản xuất lúa gạo với quy mô 0,2ha/hộ không đảm bảo đời sống nông dân, không khuyến khích được sản xuất quy mô lớn.

Bên cạnh đó, đầu tư của doanh nghiệp vào chế biến lúa gạo còn hạn chế, thiếu ổn định về thị trường, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu; sản phẩm chủ yếu ở dạng xay xát, đánh bóng, đóng gói, khó truy xuất nguồn gốc do thu mua qua thương lái. Gạo Thái Bình chủ yếu xuất khẩu gạo trắng ở phân khúc thị trường cấp thấp, giá rẻ… Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp còn chưa phát huy được vai trò cầu nối để doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho nông dân.

Dưới góc độ phát triển thị trường, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trần Huy Quân cho biết, với sản lượng duy trì 1 triệu tấn/năm cơ cấu thị trường lúa gạo của địa phương gồm 40% sản lượng tiêu thụ tại tỉnh, 60% phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, một số mặt hàng gạo của Thái Bình đã được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan và một số nước, vùng lãnh thổ khác.

Theo ông Quân, khó khăn của Thái Bình là xây dựng liên kết vùng, quy mô vùng trồng còn nhỏ. Việc xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu còn hạn chế, sản phẩm bị cạnh tranh bởi một số mặt hàng gạo khác trong nước và thế giới. Trong khi đó, các nhà phân phối bán lẻ chưa biết nhiều đến gạo Thái Bình, khó khăn khi thâm nhập kênh phân phối siêu thị, Trung tâm thương mại.

Là doanh nghiệp duy nhất của Thái Bình và miền Bắc đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản trực tiếp vào thị trường Trung Quốc theo đánh giá của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ), ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho rằng, sản xuất lúa gạo đang phải đối mặt với khó khăn từ thị trường cạnh tranh. Một số thị trường truyền thống cũng bổ sung những quy định kiểm soát chặt chẽ với gạo nhập khẩu như Trung Quốc – thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam ban hành nhiều chính sách khiến việc xuất khẩu gạo sang thị trường này của doanh nghiệp Việt Nam khó khăn. 

Trong khi đó, chất lượng gạo xuất khẩu chưa cao, bộ phận không nhỏ người dân tự để giống lúa cho vụ sau, nhiều giống lúa cùng sản xuất trên 1 cánh đồng, tỷ lệ lúa bị lẫn loại còn cao khiến chất lượng gạo không đồng nhất, số lượng, chủng loại không ổn định. Lúa sau thu hoạch chủ yếu được phơi dưới ánh nắng mặt trời, độ ẩm không đều dẫn đến lẫn tạp chất, bảo quản trong kho thông thường nên tỷ lệ hao hụt lớn, giảm chất lượng khi chế biến.

Cũng theo ông Hưng, doanh nghiệp tham gia vào hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại Thái Bình chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, việc quy vùng sản xuất còn hạn chế, do đó khó khăn đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu. Do vậy cần có những giải pháp đột phá để gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo của tỉnh Thái Bình, đặc biệt là xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Thái Bình.

Bài cuối: Tìm chỗ đứng cho gạo quê hương năm tấn

Thu Hoài (TTXVN)
Xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình - Bài cuối: Tìm chỗ đứng cho gạo quê hương năm tấn
Xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình - Bài cuối: Tìm chỗ đứng cho gạo quê hương năm tấn

Trong bối cảnh diện tích sản xuất và năng suất gần như đã đạt ngưỡng, vấn đề xây dựng thương hiệu được xem là công cụ đột phá nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với ngành hàng lúa gạo của tỉnh Thái Bình. Xác định tầm quan trọng của vấn đề này, tỉnh Thái Bình xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tìm chỗ đứng cho thương hiệu lúa gạo của “quê hương năm tấn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN