Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đồng thời nỗ lực xây dựng thị trường tín chỉ carbon nhằm tạo ra các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự án chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam (Dự án VN PMR) cũng đã khởi động với Hợp phần Nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam (Hợp phần PMR).
Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Kho học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), hiện nay cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn (diện tích từ 1ha trở lên); trong đó, khoảng 130 bãi chôn lấp được đánh giá hợp vệ sinh. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp sản xuất phân compost, chôn lấp hoặc đốt.
Chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoặc bãi tạm. Qua quá trình phân hủy rác, tại các bãi này phát thải lượng lớn khí nhà kính. Kết quả kiểm kê khí nhà kính đối với chất thải rắn trong gian đoạn 2014 - 2016 cho thấy, hoạt động chôn lấp chất thải rắn tạo ra lượng khí nhà kính lớn nhất trong các phương pháp xử lý chất thải rắn.
Năm 2014, hoạt động chôn lấp chất thải rắn đã phát thải trên 5 triệu tấn CO2 chiếm 92% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý chất thải rắn và năm 2016, số lượng này là trên 5,7 triệu tấn, chiếm khoảng 96%.
Do đó, mục tiêu của Hợp phần PMR đặt ra là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tạo tín chỉ carbon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn; hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng quản lý chất thải rắn và phát thải khí nhà kính của ngành chất thải rắn.
Cùng đó, thí điểm NAMA tạo tín chỉ cho lĩnh vực quản lý chất thải rắn tại các cơ sở xử lý chất thải rắn của 3 tỉnh, thành phố; nghiên cứu ứng dụng công cụ thị trường trong quản lý chất thải rắn sau năm 2020.
Theo thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.