Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Paleoceanography and Paleoclimatology của Liên minh Địa vật lý Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện một cách để so sánh trên cùng một thước đo bằng toán học mức thải khí CO2 hiện nay với mức thải khí CO2 khi xảy ra sự kiện Mức nhiệt tối đa thời Paleocene-Eocen (PETM). Đây là thời kỳ đầu tiên của kỷ nguyên thứ ba, khi loài động vật có vú đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất, cách đây 56 triệu năm. Kết quả cho thấy tốc độ thải khí hiện nay cao hơn 9-10 lần những gì đã xảy ra vào thời PETM.
Tác giả nghiên cứu trên, chuyên gia về khí hậu thời Paleocene, ông Philip Gingerich cho biết nếu việc thải khí CO2 tiếp tục tăng, tổng lượng CO2 tích tụ trong bầu khí quyển có thể đạt tới mức thấp nhất đã tích tụ trong thời PETM, tức là 3.000 gigaton, vào năm 2159, và đạt mức thải khí tối đa ước tính là 7.126 gigaton vào năm 2278. Tính đến năm 2016, con người đã thải ra khoảng 1.500 gigaton khí CO2.
Các nhà khoa học thường sử dụng PETM là mốc để so sánh tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Nghiên cứu của UM cho thấy Trái Đất sắp đạt tới cái mốc trên ngày càng sớm hơn những gì các nhà khoa học đã nghĩ trước đây, vì tốc độ nóng lên của khí hậu ngày nay vượt qua mọi sự kiện khí hậu từng xảy ra kể từ khi loài khủng long tuyệt chủng.
Theo bà Larisa DeSantis, một nhà nhân chủng học tại Đại học Vanderbilt, hiện vẫn chưa rõ hậu quả chính xác đối với môi trường khi đạt tới các mức thải CO2 tại thời điểm PETM, song tình trạng nhiệt độ tăng có thể dẫn tới việc nhiều loài vật sẽ bị tuyệt chủng và chỉ một số loài may mắn mới có thể thích nghi với môi trường mới.
Bên cạnh đó, phải mất hàng nghìn năm để hệ thống khí hậu có thể lạnh dần. Bà DeSantis cho biết: "Khó mà so sánh được các tác động sinh thái vì thế giới vào thời điểm PETM rất khác". Theo bà, hiện chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác, với các nhóm động vật rất khác, và con người chế ngự muôn loài... nhưng "chắc chắn sẽ có nhiều hậu quả tiêu cực lên nhiều loại vật, kể cả chúng ta" nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên quá nhanh.