Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp hữu hiệu, lâu dài gắn với sự phát triển bền vững thông qua việc cụ thể hóa các giải pháp về môi trường, hợp tác quốc tế. Osaka, một trong những thành phố có công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhật Bản đã hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả các dự án trong lĩnh vực môi trường. Qua chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp, thành phố Osaka đã hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng mô hình dự báo phát thải khí nhà kính.
Ông Seigo Tanaka - Phó Thị trưởng thành phố Osaka chia sẻ: Sự hợp tác trong chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp giúp hai thành phố giảm lượng phát thải carbon một cách hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nếu trong quá trình thực hiện hợp tác có những trở ngại về cơ chế, chính sách, hai bên cùng tìm cách tháo gỡ để thực hiện các dự án hiệu quả.
Chia sẻ về những dự án hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giảm phát thải carbon, ông Akikazu Ikegami - Cục Môi trường thành phố Osaka cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố ở khu vực mà Osaka đang tiến tới thực hiện cơ chế tín dụng chung, góp phần giảm phát thải khí nhà kính bằng công nghệ phát thải carbon thấp của Nhật Bản trong lĩnh vực giảm tiêu thụ năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng phi hóa thạch. Bên cạnh đó, thành phố Osaka sẽ thực hiện kế hoạch lắp đặt 5 bộ biến tần tại Nhà máy xử lý nước Thủ Đức với chi phí 70 triệu yên, góp phần giảm 11.000 tấn CO2/năm.
Theo ông Akikazu Ikegami, sự hợp tác giữa hai thành phố thời gian qua đã đạt được những kết quả cụ thể, trong đó đã lập được 6 dự án để thực hiện thành phố phát thải carbon thấp bằng cách sử dụng cơ chế tín dụng chung gồm: Lái xe thông qua sử dụng hệ thống đo tốc độ điện tử; thúc đẩy xây dựng bệnh viện xanh; thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các khách sạn; tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy với hệ thống điều khiển điều hòa không khí; lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các trung tâm thương mại và dự án lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên các mạng lưới phân phối điện.
Chia sẻ thêm về những giải pháp thực hiện giảm phát thải carbon thời gian tới, ông Hà Minh Châu, Phó Trưởng phòng Khí thượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với sự hỗ trợ của thành phố Osaka, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiểm kê phát thải khí nhà kính, dự kiến thực hiện 2 năm/lần; xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nghiên cứu, thực hiện giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính và quy trình đo đạc - báo cáo - thẩm định phát thải khí nhà kính cấp thành phố, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, thành phố sẽ cụ thể hóa các dự án phát thải carbon thấp như Dự án năng lượng mặt trời tại chợ đầu mối Bình Điền, tiếp tục thực hiện chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp gắn với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2025.
Thực hiện chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030, vào tháng 7/2011, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương; đến tháng 7/2013, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác Nhật-Việt về tăng trưởng carbon thấp. Từ tháng 10/2013, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka ký kết biên bản hợp tác chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp. Nội dung chính của các ký kết hợp tác là hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình dự báo phát thải khí nhà kính, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện và đề xuất giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn 2017-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính, tập trung về nhóm nghiên cứu khoa học và nhóm chuyên ngành, trong đó năng lượng, giao thông, công nghiệp, quản lý chất thải, nông nghiệp là các lĩnh vực ưu tiên hướng đến phát thải carbon thấp. Để thực hiện các nhiệm vụ này, Sở Công Thương, Sở Xây dựng thực hiện giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng từ rác thải, biogas; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đạt trên 1,74% so với tổng nhiên liệu tiêu thụ của thành phố. Sở Giao thông Vận tải thực hiện các giải pháp phát triển giao thông công cộng như xe buýt nhanh, xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, phát triển giao thông đường thủy.
Sở Công Thương khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và trang thiết bị sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; tăng cường quản lý, kiểm toán năng lượng ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn hướng đến mở rộng khắp các phường, xã trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư những dự án xử lý chất thải thu hồi năng lượng bằng công nghệ đốt phát điện.