Đối với ngành năng lượng, vốn được xem là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, giới khoa học ví "dấu chân carbon" ngành này đã in lên bề mặt Trái Đất từ trước tới nay với dấu chân của người khổng lồ, và hiện thách thức hàng đầu của các công ty dầu khí trên toàn cầu vẫn là "dấu chân carbon", như khẳng định của Giám đốc điều hành Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol tại hội nghị năng lượng quốc tế thường niên CERAWeek 2019 bế mạc ngày 15/3 tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.
Đó cũng là nguyên nhân khiến hội nghị CERAWeek lần thứ 38 này tập trung thảo luận vai trò đầu tàu của những công ty năng lượng trong xu thế chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng xanh và sạch hơn, góp phần hạn chế tình trạng ấm lên của Trái Đất.
Qua trên 400 phiên làm việc, hơn 4.500 quan chức chính phủ, nhà đầu tư và lãnh đạo hàng đầu của ngành năng lượng từ hơn 70 quốc gia và khu vực đã tập trung tìm giải pháp cho những thách thức khác nhau đối với ngành hiện nay, ngoài vấn đề chính sách môi trường và sự cạnh tranh giữa các nguồn nhiên liệu, còn có những rủi ro liên quan địa chính trị, thương mại, biến động về giá và tình trạng thiếu nguồn nhân lực.
Nghiên cứu của IEA cho thấy quá trình sử dụng năng lượng tạo ra phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 60% lượng khí gây hiệu ứng nhà toàn cầu hằng năm. Năng lượng thường đóng góp đến trên 90% lượng CO2 và 75% lượng khí khác thải ra môi trường ở các nước đang phát triển. Trong đó, riêng phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch chiếm đến 70% tổng lượng phát thải, tiêu biểu là từ các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu. Bởi vậy hướng tới tương lai năng lượng ít carbon là mục tiêu đặt ra cho ngành dầu khí toàn cầu.
Một nhận thức chung đạt được tại hội nghị, là tương lai dầu mỏ và khí tự nhiên sẽ đồng hành với năng lượng tái tạo và các công nghệ mới. Hội nghị năm nay với chủ đề “Thế giới của những sự đối đầu mới”, phản ánh sự cạnh tranh đang diễn ra giữa nhiên liệu hóa thạch với năng lượng tái tạo, khí tự nhiên với than đá, và xăng với điện vì tương lai cuộc biến đổi của ngành năng lượng. Thế giới đang từng bước chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của mạng chính sách năng lượng tái tạo thế kỷ 21 (REN21), tính đến hết năm 2018, các nguồn năng lượng tái tạo, chiếm xấp xỉ 24% tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu, tăng so với mức tăng trung bình 5,4% trong giai đoạn 2005-2015. Những năm gần đây, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng 8-9%/năm. Tính đến năm 2017, tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu tăng 8,3%, đạt mức 2.179 GW.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn đứng trước sự áp đảo của nhiên liệu hóa thạch. Dù công suất năng lượng tái tạo tăng nhanh, đặc biệt điện Mặt trời và điện gió, song nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn, với khoảng 81% tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu tính đến năm 2018. Nếu so với con số 86,7% của năm 1973, thì sau 45 năm, thế giới chỉ giảm được 5% mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, kìm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
Cuộc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra, dù muốn hay không vẫn ảnh hưởng tới các công ty dầu khí. Tại tuần lễ CERAWeek năm nay, các quan chức chính phủ và lãnh đạo ngành năng lượng đã cùng chia sẻ những sáng kiến và tìm giải pháp nhằm thiết lập quan hệ đối tác mới để giúp ngành năng lượng tăng khả năng đảm bảo nguồn cung dồi dào và hiệu quả về chi phí.
Theo giới chuyên gia, các công ty năng lượng cần có cách tiếp cận “cộng sinh” mạnh mẽ hơn giúp chuyển đổi dễ dàng sang nguồn năng lượng sạch hơn. Thay vì cạnh tranh để giành thị phần, các công ty năng lượng cần hành động cùng nhau để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc sử dụng và chuyển đổi năng lượng. Để đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp dầu khí không còn lựa chọn nào khác, phải hợp tác mạnh mẽ và đi đầu trong giai đoạn chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch
Nhiều công ty khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn trên thế giới quyết định đầu tư mạnh vào những công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế mức phát thải khí CO2. Trong thập niên qua, tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron có trụ sở tại California đã đầu tư hơn 75 triệu USD vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS). Tập đoàn Shell công bố kế hoạch triển khai 10.000 cơ sở CCS đến năm 2070, hướng tới một thế giới không phát thải CO2. Trong bản “Tóm tắt năng lượng và carbon 2019”, tập đoàn dầu khí đa quốc gia Mỹ ExxonMobil thông báo đầu tư hơn 9 tỷ USD vào phát triển những giải pháp năng lượng tạo ra lượng khí thải thấp hơn, trong đó có công nghệ CCS.
Công nghệ và kỹ thuật số cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc khai thác và sản xuất năng lượng. Một trong những chủ đề đáng chú ý là việc ứng dụng những giải pháp công nghệ sáng tạo nhằm chuyển sang nguồn năng lượng sạch. Vì thế, CERAWeek 2019 đánh dấu sự tham gia của nhiều chuyên gia công nghệ hơn bao giờ hết đến từ các “đại gia” công nghệ như Google, Microsoft, Amazon. Bằng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon mong muốn hỗ trợ các công ty năng lượng sản xuất hiệu quả hơn trong thời đại giá cả dễ biến động và nhu cầu lên xuống thất thường.
Trước thực tế rằng lượng khí CO2 phát thải từ năng lượng hóa thạch trong năm 2018 tăng cao ở mức chưa từng có từ 7 năm qua, với lượng khí CO2 do các hoạt động công nghiệp và sử dụng than đá, dầu lửa và khí đốt tăng 2,7% so với tỉ lệ tăng 1,6 % của năm trước đó, rõ ràng thách thức của ngành năng lượng rất nặng nề. Việc tìm kiếm nguồn năng lượng có "dấu chân carbon" thấp, tức không dựa vào hóa thạch, buộc các công ty năng lượng tự điều chỉnh mình để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mà "năng lượng sạch và xanh" là ưu tiên không thể đảo ngược.