Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc

Ngày 17/2, tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023, do Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức.

Chú thích ảnh
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được tổng kết đánh giá có kết quả rõ rệt.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT); Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương và đại biểu văn phòng điều phối NTM 63 tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM của hệ thống văn phòng điều phối các cấp; xác định và triển khai các nhiệm vụ, nội dung trọng tâm năm 2023 và giải quyết một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các địa phương.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 937 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM và 18 địa phương cấp tinh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chú thích ảnh
Chương trình OCOP tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được kết quả nổi bật với 8.867 sản phẩm OCOP, của hơn 4.586 chủ thể. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế; các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị" góp phần chuyển dịch từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM đã được tổng kết đánh giá có kết quả rõ rệt. Đặc biệt là diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi rất lớn nhất là hạ tầng, kinh tế, đời sống và thu nhập của người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra một số nội dung mà Văn phòng điều phối NTM các cấp cần triển khai trong thời gian tới, đó là: Mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh thành.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có những cách thức tiếp cận mới hơn. Bởi nếu làm được thì dư địa, tiềm năng của chúng ta trong phát triển NTM sẽ là rất lớn.

Tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có khoảng 19.500 HTX nông nghiệp và 91 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Trong đó, đã có 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 145 HTX nông nghiệp hoạt động trực tiếp gia xuất nhập khẩu và khoảng 1.200 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước.
Chú thích ảnh
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, muốn địa phương năng động thì thủ lĩnh phải năng động. Các địa phương cần nhìn lại cách tiếp cận NTM. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn, phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.

Trước đó, trong 2 ngày 15 và 16/2, Bộ NN&PTNT đã tổ chức “Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025” thu hút 500 đại biểu đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Trên cơ sở kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn đến năm 2020, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nhiều mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ của giai đoạn này đã có sự thay đổi, bên cạnh 11 nội dung thành phần, đã ban hành 6 chương trình chuyên đề.

Đến hết năm 2022, cả nước có 2.038 chuỗi liên kết sản xuất nông lâm ngư nghiệp, trong đó có 1.250 HTX nông nghiệp tham gia và các hình thức liên kết rất đa dạng.

Đến thời điểm này, đã có trên 70 văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được ban hành; cơ bản đầy đủ để các các bộ, ngành trung ương và địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

NTM là chương trình có khởi đầu, nhưng không bao giờ có kết thúc, bởi các tiêu chí liên tục được nâng chất lên qua thời gian. Ban đầu là các địa phương phấn đấu đạt được chuẩn NTM, và hiện nay rất nhiều xã NTM đang nâng chất lên thành NTM nâng cao và trở thành NTM kiểu mẫu.

Sau NTM kiểu mẫu, sẽ nâng cấp lên thành “NTM Smart”, tức là NTM thông minh. NTM Smart là ứng dụng chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của xã, thôn, xóm… từ việc lắp các camera an ninh trên các đường làng ngõ xóm, ứng dụng internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo vào điều khiển sản xuất nông nghiệp và mọi mặt trong đời sống nông thôn.

Tin, ảnh: L. Sơn/Báo Tin tức
Công nghệ xây dựng nông thôn mới thông minh
Công nghệ xây dựng nông thôn mới thông minh

Công nghệ đang làm thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, xây dựng nên thế hệ “Nông dân số” và góp phần tạo thành những vùng nông thôn mới thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN