“Cánh cửa” cho những “Nông dân số”
Sự phát triển bùng nổ những cây có múi, trong đó có cây cam, những năm gần đây khiến sản phẩm này trên thị trường có lúc rẻ chưa từng có, thậm chí chỉ vài nghìn đồng/kg. Thế nhưng trong khi đó, quả cam Cao Phong từ đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3Tfarm) lại có giá bán khá cao trên thị trường. Đặc biệt quả cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được chỉ dẫn địa lý trở thành những món quà cao cấp nhờ ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, chế biến.
Mạnh dạn, táo bạo, thậm chí có người còn bảo là liều lĩnh khi đánh giá về chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc 3Tfarm - người đã quyết định đưa những quả cam của vùng đất nổi tiếng Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được chỉ dẫn địa lý trở thành những món quà cao cấp.
Khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là 2 trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Khi thấy trên thị trường bày bán các sản phẩm trái cây ngoại với các giỏ quà từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng, chị Thủy tự hỏi tại sao trái cây Việt Nam ngon, chất lượng cao lại không làm được như vậy. Chị Thủy cũng nhận thấy người sản xuất do chưa biết khai thác hết thế mạnh cũng chưa biết cách làm marketing để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Từ đó, 3Tfarm tổ chức vùng trồng cam chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap có diện tích trên 40 ha cam với 25 hộ trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo 3 tiêu chí “tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm”. Chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết, các thành viên hợp tác xã sử dụng phân trùn quế bón cây, phun và tưới cây bằng dịch trùn quế giúp cây có sức đề kháng tốt, tăng khả năng ra hoa, đậu quả cao. Các hộ còn sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cho cây giúp cho cam có vị ngọt đậm tự nhiên, màu sắc bắt mắt.
Hợp tác xã còn đầu tư 300 triệu đồng để cam Cao Phong được tắm sục ozone nhằm loại bỏ các bụi bẩn và hóa chất tồn dư gây hại cho sức khỏe. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt về chất lượng cam của 3Tfarm.
Khi thu hoạch, trái cam được đưa về khu sơ chế, phân loại. Sản phẩm sẽ được chọn lọc rất khắt khe, chỉ có khoảng 8 - 10% trong tổng sản lượng cam sản xuất ra được chọn và đáp ứng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng cho sản phẩm quà tặng cao cấp.
Sau khi phân loại, cam sẽ được đưa vào xưởng rửa sạch, xử lý khử trùng theo quy trình và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả trước khi đóng gói vào hộp quà tặng đã được thiết kế đẹp mắt và độc đáo. Dòng sản phẩm này đang cung cấp qua một số đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch ở nhiều địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... và các siêu thị.
Trước đây, chị Thuỷ chỉ sử dụng facebook để giao lưu với cộng đồng làm nông nghiệp sạch, chia sẻ quá trình canh tác, dần dần facebook, zalo thành kênh quảng bá và bán hàng chính. Mỗi lần livestream, hợp tác xã có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể các bài đăng lẻ, đăng trong hội nhóm.
Công nghệ đã giúp kết nối những mối hàng từ Bắc vào Nam, mang tới cho hợp tác xã hàng nghìn đơn hàng. Hiện tại, hợp tác xã cơ bản chủ động về đầu ra, 70 - 80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến vườn thu mua.
Ngoài mạng xã hội, 3Tfarm còn phối hợp với các trang bán hàng điện tử xúc tiến đưa cam và sản phẩm chế biến từ cam lên các sàn thương mại điện tử. Chị Thủy chia sẻ, nhờ sự phản hồi tích cực từ khách hàng, năm nay, hợp tác xã sẽ thay đổi cách tiếp cận và thay đổi mẫu mã bao bì để sản phẩm đến được với đa số người tiêu dùng.
Nông thôn chuyển đổi số
Đến với “xã thông minh” Quảng Thọ, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ với những giao dịch không tiền mặt ở vùng nông thôn này. Tính đến tháng 7/2022, tại đây đã có 1.065 trong tổng số 1.959 hộ gia đình có tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet... Các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn xã đã nhận kinh phí trợ cấp xã hội hàng tháng thông qua tài khoản từ tháng 11/2021.
Đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019, xã Quảng Thọ là một trong hai địa phương được huyện Quảng Điền chọn xây dựng mô hình điểm nông thôn mới nâng cao và thí điểm mô hình “xã thông minh” từ tháng 3/2021.
Để hỗ trợ người dân, xã đã đầu tư phòng quản lý điều hành thông minh, 7 điểm kết nối internet công cộng miễn phí; lắp đặt 21 camera an ninh để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học với nhiệm vụ kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng toàn diện; lắp đặt trạm quan trắc không khí để thông báo tuyên truyền cho bà con. Người dân chưa có điện thoại thông minh được hỗ trợ điện thoại và mạng ban đầu.
Để xây dựng môi trường kinh tế số, xã đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và hợp tác xã. Xã đã xây dựng trang web của hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ để quảng bá các sản phẩm. Đặc biệt là sản phẩm trà rau má của hợp tác xã đã lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác... Công tác quảng bá du lịch của xã cũng bằng công nghệ mô hình hoá 3D và R (thực tại ảo tăng cường).
Cùng với đó, xã Quảng Thọ phối hợp triển khai Y tế thông minh (sổ sức khỏe điện tử), Giáo dục thông minh (học bạ điện tử, các khóa học trực tuyến)...
Hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”, Chủ tịch UBND xã Hoàng Công Phong cho biết, Quảng Thọ đã đạt được các tiêu chí làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa.
Những thành tựu đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau gần 12 năm được đánh giá là “to lớn, toàn diện và lịch sử”, đã tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.
Trong đó, những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực từ việc “kích hoạt” mô hình chuyển đổi số ở các xã nông thôn mới thông minh, những bước đi táo bạo của các “nông dân số” đang góp phần tìm hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.