Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp nhiều thách thức như tác động của biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình trạng dịch chuyển lao động nông thôn ra thành thị… Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua 3 bài viết với chủ đề: Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Bài 1: Phát huy nội lực
Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là làm cho bộ mặt nông thôn có những đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Trong xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, các cấp chính quyền, đoàn thể đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy toàn diện, còn người dân chính là chủ thể xây dựng nông thôn mới và đồng thời thụ hưởng các thành quả.
Nâng cao thu nhập người dân
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh này đã có 55/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, thành phố Sa Đéc đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị xét công nhận là địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, tỷ lệ người dân được sử dụng điện thường xuyên đạt gần 100%, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 75% đến 100%. Thu nhập bình quân đầu người ở xã nông thôn mới đạt từ 41,1 triệu đồng/người/năm trở lên. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân với kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương đạt từ trên 93% đến 99,8%.
Nói về hiệu quả của xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, xây dựng nông thôn mới chính là thay đổi môi trường nông thôn, nâng cao thu nhập người dân. Nông thôn mới không chỉ là xây dựng cây cầu, con đường, mà là tạo điều kiện, tiền đề cho người dân phát triển kinh tế.
Lão nông Võ Văn Chiến (70 tuổi) ở xã biên giới Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự chia sẻ, Hồng Ngự đã có nhiều đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới, như đã có hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện, kết nối các ấp, xã; hệ thống thủy lợi hoàn thành. Nhiều dự án, giải pháp phát triển kinh tế được các cấp, các ngành hướng dẫn, hỗ trợ để nông dân ứng dụng vào sản xuất.
Hiện gia đình ông Chiến là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình nuôi cá mè hoa, cá trôi trong mùa lũ, thuộc dự án WB9 (Dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, của tỉnh Đồng Tháp. Ông Chiến chỉ mong nước lũ nhanh về để đưa cá vào đồng thả nuôi.
Giống như ở Đồng Tháp, An Giang là một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh với mục tiêu cao nhất là thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, nâng cao đời sống người dân.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn tỉnh An Giang, tỉnh là đơn vị đứng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến tháng 8/2019, tỉnh đã có 3 đơn vị là thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 50/119 xã được công nhận xã nông thôn mới.
Tháng 8/2019, đúng dịp kỷ niệm 230 năm hình thành và phát triển, thành phố Long Xuyên đã đón nhận quyết định công nhận là đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh An Giang. Theo lãnh đạo thành phố Long Xuyên, thành quả lớn nhất sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới là nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân được nâng lên…
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Long Xuyên năm 2018 trên 44 triệu đồng/người/năm, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2010 (khi chưa xây dựng nông thôn mới). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,31%.
Nhiều mô hình sáng tạo
Thời gian qua, tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, sát thực tiễn, đánh dấu bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chẳng hạn, về sản xuất nông nghiệp có mô hình đa canh kết hợp lúa-màu-chăn nuôi trên các giồng cát ven biển, vùng nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho hay, một trong những mô hình sáng tạo của nông dân tỉnh Đồng Tháp là mô hình “hội quán”. Đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 80 “hội quán” với trên 4.000 thành viên là người dân tham gia hoạt động, gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương.
Mô hình này góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản trong cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Mô hình "hội quán” cũng chính là nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới ở Đồng Tháp. Đến nay tỉnh đã có 15 “hội quán” phát triển lên thành 14 hợp tác xã, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Là điển hình về mô hình "hội quán" của tỉnh Đồng Tháp, “hội quán” cùng nhau làm du lịch tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc được đánh giá là một trong những mô hình tiêu biểu. Theo chủ nhiệm "hội quán", ông Trần Thanh Hùng, "hội quán" hoạt động theo phương thức cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị và cùng nhau thụ hưởng.
Tham gia "hội quán", các thành viên được tạo điều kiện để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, cách thu hút du khách, sản xuất, kinh doanh hoa kiểng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển du lịch...
Bài 2: Gắn với tái cơ cấu, thích ứng biến đổi khí hậu