Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu - Bài cuối: Nhiều giải pháp gỡ khó

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song tính đến thời điểm tháng 6/2019, tỷ lệ 40,6% số xã trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt xã nông thôn mới vẫn thấp hơn tỷ lệ chung trên toàn quốc (gần 48,7%).

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện một số tiêu chí về hạ tầng kinh tế, xã hội ở các địa phương thuộc 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt tỷ lệ thấp hơn so với các vùng trong cả nước. Điều này đòi hỏi các địa phương trong vùng có các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm nâng tầm chương trình này.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh:TTXVN

Nhiều điểm nghẽn

Đề cập về những trở ngại trong xây dựng nông thôn mới, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và lãnh đạo một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, sự quan tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có địa phương còn thiếu sâu sát, chưa thường xuyên.

Việc chỉ đạo, điều hành vốn của một số địa phương cũng chưa thực sự hiệu quả. Có nơi vẫn trông chờ vào nguồn lực của cấp trên. Ở một số địa phương, nguồn nhân lực còn hạn chế, lực lượng lao động trẻ thiếu hụt bởi sự dịch chuyển lao động nông thôn đến các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu làm cho tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún, ngập úng mùa lũ về không còn theo quy luật tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chính thực trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về hạ tầng kinh tế, xã hội, thu nhập, môi trường… trong xây dựng nông thôn mới.

Một tồn tại cũng là điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới ở khá nhiều địa phương là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, rạch, làng nghề… ngày càng gia tăng.

Từ góc nhìn ở một địa phương cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, nên chính quyền các xã chưa trực tiếp tập trung vận động thực hiện các tiêu chí.

Môi trường nông thôn của tỉnh Đồng Tháp đã được cải thiện thông qua các mô hình bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, việc duy trì kết quả ở một số địa phương còn nhiều khó khăn do phong tục, tập quán, văn hóa và thói quen của một bộ phận dân cư.

Một vấn đề nổi bật gây khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đó là vấn đề thu gom và xử lý rác thải tại khu vực nông thôn. Theo ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, tại các khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng, người dân chưa có thói quen tập trung rác thải để lực lượng thu gom rác đến thu gom và xử lý.

Hơn nữa, lượng rác thải này phải được vận chuyển tập trung về nhà máy xử lý chất thải rắn của tỉnh để xử lý, nhưng phương tiện thu gom mỏng, chưa đủ sức thu gom thường xuyên để xử lý toàn bộ chất thải của khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng.

Hiện Sóc Trăng có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn và 5 lò đốt rác thải tại thị xã Ngã Năm, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Các lò đốt rác thải này chỉ mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác chôn lấp lộ thiên.

Do đó, chỉ khi giải quyết được triệt để việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mới được hoàn thiện và phát triển đi vào chiều sâu.

Tháo gỡ để phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần phát triển nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với ổn định đời sống dân cư, di dân ra các vùng nhạy cảm về môi trường.

Các địa phương cũng cần chuyển đổi nông nghiệp theo hướng giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy mạnh vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Các địa phương tính đến việc giảm lao động trong nông nghiệp nhưng phải tạo được lực lượng chuyên nghiệp hóa, trẻ hóa để thích ứng với sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm tạo việc làm phi nông nghiệp tại chỗ ở từng xã, huyện, theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm” và phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp ngoài vùng và thực hiện xuất khẩu lao động.

Là địa phương kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp đã có những mô hình phát triển kinh tế, thúc đẩy việc hoàn thiện xây dựng nông thôn mới trước kế hoạch dự kiến.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, với trọng tâm khơi dậy tinh thần tự lực-hợp tác-liên kết mọi mặt của người dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đồng Tháp chung sức xây dựng nông thôn mới”; nhân rộng mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh cũng xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao hướng đến kiểu mẫu tại 3 xã là Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, xã Định Yên, huyện Lấp Vò và xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.

Một giải pháp cũng được Đồng Tháp xác định là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương, hoàn thiện tiêu chí thu nhập của chương trình này. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần tạo nhiều việc làm để lao động nông thôn “ly nông không ly hương”.

Các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch giải quyết ô nhiễm ở các làng nghề và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp. Các chủ cơ sở sản xuất bắt buộc theo lộ trình thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường khi thực hiện sản xuất tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương chấn chỉnh triệt để, không tái diễn nhà vệ sinh trên các ao, hồ, sông, rạch,… hướng đến đời sống cộng đồng văn minh, an toàn sức khỏe và an toàn môi trường. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh theo thiết kế mẫu để tránh gây mất vệ sinh môi trường nông thôn.

Khi các giải pháp này thực hiện đồng bộ, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đưa đời sống người dân khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long đạt chất lượng cao hơn sẽ nhanh chóng gặt hái được kết quả như mong muốn.

Thanh Trà - Hồng Nhung (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu - Bài 2: Gắn với tái cơ cấu, thích ứng biến đổi khí hậu
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu - Bài 2: Gắn với tái cơ cấu, thích ứng biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, sụt lún ngày một nghiêm trọng, sạt lở, hạn mặn, thiếu lũ và phù sa từ thượng nguồn… Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững các địa phương trong vùng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó rủi ro thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN