Xây dựng nguồn nguyên liệu cho hàng dệt thổ cẩm

Mặc dù được coi là sản phẩm thế mạnh nhưng những sản phẩm dệt may thủ công truyền thống của các đồng bào dân tộc vẫn đang phải chịu cạnh tranh ngay trên “sân nhà” khi hàng Trung Quốc, hàng nhái tràn lan. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay chính là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho dệt thủ công.

Không mặn mà với nghề truyền thống

Xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) có trên 750 ha đất canh tác nhưng chủ yếu là trồng ngô. Trước đây, các hộ chỉ có một diện tích trồng lanh rất nhỏ, chưa đến 0,5 ha. Chị Bùi Thị Xơ ở xóm Pa Háng Lớn, một người dân hiếm hoi trồng lanh của xã cho biết, năng suất chỉ đạt 15 bó/sào, giá trị kinh tế không lớn.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang đối mặt nhiều khó khăn.


Thiếu nguyên liệu tốt, phải mua nguyên liệu từ nơi khác đang là trở ngại lớn đối với việc phát triển mở rộng cũng như nâng chất lượng hàng dệt thổ cẩm tại các địa phương hiện nay. Thực tế, khi theo chân đoàn khảo sát của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đến các bản làng dân tộc tại Mai Châu (Hòa Bình), chúng tôi nhận thấy, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế từ hàng thổ cẩm nhằm góp phần ổn định đời sống cho người dân chưa được khai thác hiệu quả. Có tới trên 80% các sản phẩm quần áo ở các chợ địa phương như Xà Lính là sản phẩm công nghiệp và hàng Trung Quốc với giá rất rẻ.

“Nghề dệt thủ công thu hút khoảng 35% là lao động thường xuyên, còn lại là lao động gia công lúc nông nhàn. Do đó, giúp người dân phát triển nghề dệt thủ công không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa mà còn hỗ trợ sinh kế cho người dân”.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Không chỉ vậy, hàng dệt thủ công còn bị cạnh tranh với các làng dệt ở miền xuôi. Chẳng hạn, làng dệt Mỹ Đức (Hà Nội), làng dệt lụa Thái Phương (Thái Bình) có các cơ sở dệt thổ cẩm bằng máy công nghiệp với giá thành rẻ đang cung cấp vải thổ cẩm cho các tỉnh miền núi (chỉ 19.000 đồng/mét). Điều này khiến cho bà con dân tộc không còn mặn mà với việc dệt thủ công do tốn nhiều thời gian, giá cao nên không nhiều khách mua.

Thậm chí, đại diện Vietcraft còn nhận định, hiện có sự thụt lùi trong việc sử dụng chất liệu truyền thống. “Các nguyên liệu trước đây hoàn toàn là các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường nhưng nay đang bị thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp rẻ tiền”, ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Vietcraft cho biết.
Theo ông Lê Bá Ngọc, mặc dù là nghề truyền thống lâu đời nhưng do không mang lại nhiều giá trị kinh tế cho bà con dân tộc nên nhiều nơi, người dân đã tỏ ra không còn mặn mà với nghề, thậm chí lấy hàng nhái, hàng kém chất lượng về bán trà trộn, làm mất uy tín của chính những sản phẩm truyền thống. Nếu không có những biện pháp khuyến khích đồng bào dân tộc phát triển nghề dệt truyền thống thì khả năng thất truyền hoàn toàn có thể xảy ra.

Tự chủ nguồn nguyên liệu

Để phát triển các mặt hàng thổ cẩm tại địa phương, ông Ngọc cho rằng, cần nhiều giải pháp như hình thành nhóm người sản xuất am hiểu các yếu tố văn hóa của hàng dệt thổ cẩm của dân tộc mình để phổ biến cho mọi người; tăng cường công tác thiết kế và phát triển sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc dựa trên các yếu tố văn hóa truyền thống... Trong đó, việc chủ động nguồn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng.

Dự án cải thiện sinh kế phụ nữ nghèo thông qua phát triển chuỗi giá trị hàng dệt thủ công của Vietcraft, trong đó có nội dung phát triển nguyên liệu tơ tằm và lanh (hai nguyên liệu chính của nghề dệt thủ công) đã được triển khai tại Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Các hộ dân được hỗ trợ hạt giống, trứng tằm, được đào tạo về kỹ thuật trồng nên năng suất kén thu được đều tăng cao 10 - 20%. Năng suất lanh cũng rất cao, có hộ đạt tới 41 bó/sào (bình thường chỉ đạt dưới 15 bó/sào). Nhờ đó, thu nhập của người nuôi tằm, trồng lanh đã cao hơn 30 - 40% so với trước.

Thực tế, dâu và lanh là các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn lúa, ngô. Nếu chỉ tính đến sản phẩm kén thì 1 sào dâu cho lợi nhuận cao gấp 3,5 lần so với trồng lúa 2 vụ. Còn trồng lanh có thu nhập cao hơn trồng ngô từ 6-13 lần. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nguyên liệu còn giúp tận dụng nguồn lao động kể cả người già và các em học sinh, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.

Theo PGS Hà Văn Phúc, chuyên gia tư vấn, để vận động bà con ở các vùng địa phương tham gia chương trình phá triển nguồn nguyên liệu, việc đầu tiên cần phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị như hội nông dân, hội phụ nữ, hợp tác xã nông nghiệp và làng nghề... Thông qua các tổ chức này mới có thể lựa chọn quỹ đất trồng dâu, trồng lanh, lựa chọn các hộ gia đình tham gia vào một số công đoạn sản xuất. Các tổ chức này còn tham gia chỉ đạo tiến độ, các khâu kỹ thuật...

“Bên cạnh đó, cần ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật quan trọng trong khâu nuôi tằm như khử trùng triệt để, tổ chức mô hình nuôi tằm con tập trung… góp phần nâng cao năng suất kén thêm 15%; tổ chức sản xuất khép kín từ phát triển nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, năng suất kén của ta mới đạt khoảng 1.000 kg/ha dâu, trong khi ở vùng sản xuất dâu tằm của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), năng suất đạt 1.500 - 1.700 kg kén/ha, do đó cần phải tăng năng suất hơn nữa”, ông Phúc cho hay.

Hoàng Dương
Người 'giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Người 'giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Sản phẩm thổ cẩm của bà Thược có kiểu dáng, hoa văn độc đáo, nên thường được khách hàng trong tỉnh và ngoài đặt mua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN