Xây dựng ngành công nghiệp ô tô: Lực bất tòng tâm

Ngành ô tô Việt Nam mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng sức cạnh tranh vẫn yếu. Trong khi đó, từ năm 2014, khi Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu xe từ khối này sẽ giảm dần và tiến tới bằng 0% nếu không có sự đột phá thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn.


Khó khăn chồng chất


Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ước tính, doanh số bán xe cả năm nay chỉ đạt khoảng 109.000 chiếc và thấp hơn mức dự báo cả năm từ 10.000 - 12.000 chiếc. Cũng theo kết quả khảo sát VAMA, hiện cả nước có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư bài bản và đang có những sản phẩm bán tốt trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khả năng cạnh tranh yếu kém cùng với tình hình kinh tế khó khăn đã đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước vào tình trạng khó khăn: Sản lượng bán xe giảm, thua lỗ, thậm chí rút lui khỏi thị trường. Để cầm cự được trên thị trường, hầu hết các doanh nghiệp phải song hành “đứng trên 2 chân”, tức là vừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường và vừa sản xuất.

Lắp ráp ô tô khách B60 tại Công ty cổ phần ô tô 3-2.


Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp vốn là “lá cờ đầu” của ngành đang vất vả với đầu ra. Là đơn vị sản xuất, phân phối các dòng xe du lịch và xe tải với tổng công suất đạt khoảng 60.000 xe/năm, Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe chiến lược do đơn vị này sản xuất từ ngày 1/1/2014. Doanh nghiệp cũng đề nghị được vay khoản vốn 250 tỉ đồng, với thời hạn tối thiểu 7 năm theo chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia. Trước đó, một “ông lớn” trong ngành là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã được Chính phủ đồng ý gia hạn nộp 1.200 tỉ đồng thuế như một động thái giúp đơn vị vượt qua khó khăn, góp phần vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp ô tô nước nhà.


Xe “ngoại”sẽ chiếm lĩnh?


Tại Triển lãm ô tô năm 2013 được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thời điểm năm 2018 sẽ là một “cột mốc” lớn cho thị trường ô tô Việt Nam. Xe nhập khẩu nguyên chiếc với ưu thế về giá và chất lượng có thể đổ bộ chiếm lĩnh thị phần những hãng xe sản xuất, lắp ráp ở thị trường nội địa. Lúc này, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với viễn cảnh tháo lui hoặc thu hẹp quy mô sản xuất đồng loạt. “Triển lãm lần này có thể cho chúng ta thấy rõ xu thế nhập khẩu xe nguyên chiếc, đặc biệt là xe hạng sang, đang phổ biến hiện nay trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó là sự tiến thoái lưỡng nan, lúng túng trong chiến dịch đầu tư, cũng như phát triển cơ hội làm ăn của những nhà sản xuất ô tô trong nước”, ông Jesus Metelo N.Arias Jr., Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, cho biết.


Đánh giá là thị trường tiềm năng, theo Bộ Công Thương, từ năm 2020 - 2025 sẽ là giai đoạn nhu cầu sử dụng ô tô tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội từ thị trường trong nước và cạnh tranh với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN, Bộ Công Thương đã đề ra Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước theo hướng khuyến khích sản xuất dòng xe bình dân. Riêng thị phần các dòng xe cao cấp, dung tích lớn sẽ là “miếng bánh ngon” cho những doanh nghiệp nước ngoài. Bởi thực tế, dù thị trường có sức tiêu thụ chậm, nhưng không ít nhà sản xuất ô tô tên tuổi đã và đang tìm hiểu chính sách đầu tư, tăng tốc giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư và đạt được mức tỉ lệ nội địa hóa cao như Toyota, Honda, Kia... hoặc đang rót vốn đầu tư dây chuyền sản xuất như Ford, GM, Mercedes - Benz... đang có kế hoạch chuyển hướng lắp ráp các dòng xe hạng sang nhằm tiếp cận thị trường và cạnh tranh với dòng xe nhập khẩu.


Để bảo vệ nền công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề nghị một lộ trình giảm thuế giữ nhịp cao đến năm 2017. Cụ thể: năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 vẫn giữ 50%, năm 2016 giảm còn 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 giảm về 0%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu các doanh nghiệp trong nước không nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá bán xe thì xe nội sẽ không thể cạnh tranh được với xe ngoại và các doanh nghiệp sản xuẩt và lắp ráp xe nội địa sẽ chuyển thành những nhà nhập khẩu.

Theo lộ trình gia nhập AFTA, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam từ năm 2014 sẽ giảm xuống còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và đến năm 2018 sẽ bằng 0%.


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN