Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số…
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc mới đây của Thủ tướng với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Ngành GTVT đã triển khai lập 5 quy hoạch ngành thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ; đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch trong quý II/2021.
Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 theo quy hoạch và tổng mức vốn ngân sách trung ương cấp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ thông báo. Trong năm 2021, cả nước tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (11 dự án với 654 km), cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên... Hoàn thành việc đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án mới trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, nhất là các dự án động lực, lan tỏa.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục xử lý vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh họp tác công - tư, Trung ương và địa phương cùng thực hiện và trên nguyên tắc đường đi qua tỉnh nào thì tỉnh đó phải bố trí vốn và giải phóng mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây lắp làm vốn mồi, để phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau ở nhũng khu vực phát huy hiệu quả kinh tế cao, tập trung cho phát triến đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ đi Tây Nguyên; hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phấn đấu triển khai thực hiện toàn bộ 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, trong đó, ưu tiên hoàn thành đoạn ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; phát triển cảng biển, đường thủy nội địa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; triển khai nghiên cứu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thuỷ lợi, hồ chứa nước trọng yếu bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Phát triển mạnh nguồn năng lượng họp lý, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch một cách hợp lý. Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng văn hoá, xã hội. Xây dựng và đẩy mạnh triển khai chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, chiến lược dữ liệu quốc gia.
Hiện nay trong số những dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã được Bộ GTVT và các nhà đầu tư ký hợp đồng để triển khai.
Ngay trong tháng 6 này, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam gồm cả đầu tư công và PPP sẽ được khởi động việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và một số công trình giao thông trọng điểm quốc gia như đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đến thời điểm này mặt bằng sạch đã đạt 80%.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết: "Sau nhiều khó khăn trong quá trình đấu thầu, chúng tôi đã phối hợp Ban quản lý dự án và các địa phương thực hiện công tác khảo sát mặt bằng, rà soát các mỏ vật liệu phục vụ dự án và công tác huy động vốn để có đủ điều kiện khởi công".
Theo đại diện Bộ GTVT, muốn thực hiện theo đúng tiến độ xây lắp trên hợp đồng, cần giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng ngay từ đầu bởi đây là nút thắt lớn nhất thường khiến các dự án trước đây chậm tiến độ.
Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ hợp tác công tư (Bộ GTVT) cho biết: Đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành khoảng 98% phần việc, còn lại là một số hạng mục như công trình công cộng đang tiếp tục được thực hiện. Mặc dù vậy, đã có những phát sinh khó khăn trong mấy tháng đầu năm, đó là việc thiếu hụt nguồn cung và giá nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến phương án đầu tư của các dự án. Việc tháo gỡ khó khăn này đã được thực hiện ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ GTVT, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ: Ngành GTVT phải có chiến lược và chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và phải hết sức chú trọng công tác quy hoạch. Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ đang xây dựng phải kết nối chặt chẽ với nhau, thành mạng lưới giao thông tổng thể quốc gia. Từ quy hoạch, phải xác định được các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt, có dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt”. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ GTVT cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án trên địa bàn của mình. Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tăng cường kiểm tra, giám sát để phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ.
Ưu tiên lĩnh vực nào thì phải có cơ chế, chính sách cho lĩnh vực đó để thu hút các nhà đầu tư. Nếu nói ưu tiên mà không có cơ chế chính sách thì sẽ không làm được. Hiện nay nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, trong khi Bộ GTVT còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư và một số hình thức đầu tư khác, tham khảo các mô hình hiệu quả từ các nước tiên tiến, nhất là từ các địa phương trong nước đã làm có hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, để các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam thành công cần có sự hỗ trợ lớn từ phía ngân hàng, đặc biệt là các gói tín dụng ưu đãi. Bởi hiện nay, các ngân hàng thường thắt chặt việc cho vay đối với các dự án BT, BOT trong bối cảnh phải hạ tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, làm sâu sắc thêm nội dung dự thảo Báo cáo, Tờ trình Bộ Chính trị về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 theo phương thức cả gói. Mức hỗ trợ tổng thể của Nhà nước không quá 50% theo đúng Luật PPP nhưng giao Chính phủ quyết định điều hành linh hoạt từng dự án cụ thể. Một số vướng mắc, trong thời gian chưa sửa luật thì xin cơ chế đặc thù bằng một Nghị quyết của Quốc hội.