Ngành Xây dựng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Sau hơn 60 năm phát triển, Ngành đã có những bước tiến mới theo hướng hiện đại, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị đất nước. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng bình quân đạt 8,5-8,7%/năm. Song, những năm qua, việc xác định trách nhiệm doanh nghiệp trong ngành với phát triển kinh tế xã hội chưa có các văn bản pháp quy xác định.
Trong khi đó, các tổ chức trên toàn thế giới ngày càng nhận thức rõ về nhu cầu và lợi ích của hành vi trách nhiệm xã hội, với mục tiêu là đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng đang hướng tới việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Vì vậy, nếu có hướng dẫn chi tiết và thang điểm đánh giá, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và kết quả xếp hạng có thể được coi là một tiêu chí đánh giá năng lực doanh nghiệp.
Để xây dựng, nghiên cứu và thực hiện các tiêu chí đánh giá năng lực trách nhiệm doanh nghiệp xây dựng, sáng 22/4, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) đã tổ chức hội thảo tham vấn về xây dựng có trách nhiệm, nhằm bổ sung, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu về vấn đề này.
Thực tế, UNIDO đang thực hiện một nghiên cứu về thực tiễn xây dựng có trách nhiệm ở Việt Nam, với mục đích xác định những điểm chung và khác biệt với hướng dẫn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngành Xây dựng. Đây chính là việc cải thiện tính bền vững, minh bạch, khả năng áp dụng các nguyên tắc và thực tiễn về hiệu quả tài nguyên và kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải (ở cả quá trình xây dựng và vận hành các dự án tòa nhà), quan hệ lao động, sức khỏe và an toàn lao động, tiếp cận với tài chính và đầu tư, thương hiệu và hình ảnh trong ngành Xây dựng.
Việc thu thập ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất từ các chuyên gia tại hội thảo đóng vai trò quan trọng đối với công việc nghiên cứu các tiêu chí trên, tạo điều kiện để các chuyên gia trong nước, cũng như Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thực hiện các bước tiếp theo.
Để đảm bảo ngành công nghiệp xây dựng mang lại lợi nhuận phát triển bền vững và có trách nhiệm tại Việt Nam, các lãnh đạo cơ quan Bộ Xây dựng, chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp xây dựng đều cho rằng, các dự án bất động sản trước khi triển khai cần đặt các tiêu chí ưu tiên: Công trình có thật sự có trách nhiệm với xã hội và môi trường; tuân thủ các quy định pháp luật; cải thiện môi trường ra sao và trách nhiệm của chủ đầu tư với cộng đồng.
Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị và UNIDO sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu "Xây dựng có trách nhiệm" gửi tới các cơ quan quản lý chuyên ngành, ngành xây dựng và các doanh nghiệp xây dựng tại 63 tỉnh, thành phố.