Theo Bộ trưởng, chủ trương của Đảng và Nhà nước là các doanh nghiệp hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, không có sự thiên vị, ưu tiên các thành phần doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, phải đảm bảo khi một đồng vốn Nhà nước bỏ vào doanh nghiệp và tạo điều kiện cho lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng thì phải bảo toàn, phát triển nguồn vốn, tạo ra được công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận, thực hiện nộp ngân sách cho nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước ngày một lớn mạnh, làm ăn hiệu quả.
Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển lớn mạnh, song khối doanh nghiệp FDI với khoảng 73% - 75% sản phẩm xuất khẩu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam phải lớn mạnh lên, nhất là doanh nghiệp nhà nước phải tạo ra đột phá để phát triển, đi vào những lĩnh vực khó, lĩnh vực sáng tạo.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh để có được điều này thì chính sách pháp luật phải tạo được những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy phát triển, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tại hội thảo, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, dự thảo Luật đã kế thừa những thuận lợi cơ bản, khắc phục khó khăn sau 10 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Ban soạn thảo đã cụ thể hóa thành nhiều chủ trương quan trọng, tạo ra sự đổi mới, tiến bộ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp phát triển.
Theo Thượng tướng Vũ Hải Sản, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025. Theo đó, doanh nghiệp quốc phòng đã giảm từ 104 doanh nghiệp còn 54 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong số này có 40 doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gắn với nhiệm vụ quân sự quốc phòng.
Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc 3 lĩnh vực chính nhóm doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị, nghiên cứu phát triển công nghiệp quốc phòng; nhóm doanh nghiệp đóng trên địa bàn chiến lược, kết hợp lao động sản xuất với bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc; nhóm doanh nghiệp kinh tế quốc phòng.
Mỗi nhóm doanh nghiệp đều có đặc thù riêng, do đó, Thượng tướng Vũ Hải Sản mong muốn ban soạn thảo lưu tâm các chính sách làm sao để doanh nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp quân đội có thể vừa bảo đảm quy định về quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp, phải vừa đáp ứng yêu cầu, phù hợp hoạt động thực tiễn của quân đội, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội lại vừa bảo đảm quốc phòng an ninh.
Cũng tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Quân đội, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng… đã có ý kiến vào những nhóm chính sách có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp như chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư và doanh nghiệp; chính sách đầu tư vốn nhà nước và doanh nghiệp; chính sách về hoạt động đầu tư của bản thân doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về cơ quan của người đại diện chủ sở hữu vốn và chính sách về quản trị doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng cho rằng, việc xây dựng luật mới về nội dung này là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng của chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp, cũng như chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
"Để đảm bảo chất lượng dự thảo luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã luôn đồng hành và giám sát cái quá trình xây dựng cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính ngay từ đầu trong việc triển khai lắng nghe ý kiến của cộng đồng, các nhà khoa học, các chuyên gia và đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước là đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật", ông Lê Quang Mạnh nói.
Dự thảo sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2024 tới đây và trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2025.
Dự thảo Luật bám sát nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ khi đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Luật gồm 9 chương, 92 điều; trong đó, Chương I: Những quy định chung; Chương II: Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chương III: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chương IV: Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Chương V: Sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chương VI: Cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Chương VII: Quản trị doanh nghiệp; Chương VIII: Giám sát, kiểm tra, thanh tra và đánh giá báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chương IX: Hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp…